Chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới
Tuy trong điều kiện khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, dịch tả heo Châu Phi, nhưng bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền Nhân dân huyện Cầu Ngang trong XDNTM, đến cuối năm 2021, Cầu Ngang có thêm 04 xã đã và đang hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, trong quá trình tổ chức thực hiện XDNTM, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động XDNTM đảm bảo tính thường xuyên và chất lượng. Với đặc điểm là huyện có 08 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, trong đó Kim Hòa là xã đầu tiên Chương trình 135 đạt chuẩn xã NTM, đông đồng bào Khmer sinh sống, huyện tâp trung tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của XDNTM. Trong đó xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM là chủ chốt. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, người dân đã nhận thức được vai trò, nhiệm vụ trong XDNTM, từ đó góp phần chung tay XDNTM bằng nhiều việc thiết thực như hiến đất, ngày công, kinh phí,… để xây dựng các công trình cầu, đường nông thôn,… Đến nay, trên địa bàn huyện có 03/08 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn xã NTM; 04 xã đã trình thẩm định, xét, công nhận xã NTM; riêng xã Long Sơn phấn đấu đến cuối quý I/2022 đạt chuẩn xã NTM.
Trên lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Chuyển đổi đất lúa sản xuất sang trồng màu có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò gắn với bảo vệ môi trường. Trong năm 2021, tổng diện tích cây màu cả năm đạt 18.386 ha, đạt 102,7% kế hoạch; cây lúa gieo trồng đạt 25.507ha. Về chăn nuôi ngày càng phát triển với tổng đàn bò hiện có 58.000 con, tăng 3.000 con so với cùng kỳ; đàn heo có 70.000 con, giảm 4.750 con so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 1,5 triệu con. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 68.330 tấn, đạt 100,55% kế hoạch. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng bần và rừng phòng hộ với 1.446ha. Lĩnh vực giáo dục có nhiều chuyển biến, người dân quan tâm chăm lo đến việc học hành của các con. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được chú trọng, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19,…
Một trong những đổi thay ở những xã đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế của người dân có chuyển biến tích cực. Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng nông dân vẫn tích cực siêng năng lao động sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình bằng nhiều phương án kinh tế khác nhau như mô hình nuôi bò sinh sản, trồng màu trên đất lúa kém hiệu quả, nuôi thủy sản kết hợp trồng rẫy đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trao đổi với chúng tôi bà Thạch Thị Xin, ngụ ấp Là Ca A, xã Nhị Trường đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín chấp thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản. Bà Xin cho biết: gia đình thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất, kinh tế gia đình dựa vào nghề làm thuê với thu nhập từ 200.000 - 240.000 đồng/ngày. Những năm qua nhờ, không chỉ nhờ Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất, còn hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà ở kiên cố để an cư lạc nghiệp. Nhờ có nguồn vốn vay bà có điều kiện phát triển đàn bò nuôi 03 con, vừa qua bà bán 01 con bò để đầu tư vào việc xây nhà hoàn chỉnh hơn.
Hay bà Thạch Thị Nhì, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa vươn lên trở thành có mức thu nhập khá nhờ chuyển đổi đất trồng 01 vụ lúa/năm sang luân canh 01 vụ lúa - 02 vụ màu kết hợp với nuôi bò sinh sản với tổng lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Bà Nhì cho biết: với 2.500m2 đất canh tác, sau khi kết thúc vụ lúa, bà trồng ớt chỉ thiên hoặc cà chua và rau cải các loại, lợi nhuận đạt từ 08 - 10 triệu đồng/vụ/1.000m2. Riêng vụ màu trong và sau Tết, bà trồng 2.000m2 ớt chỉ thiên, 500m2 cải các loại với tổng chi phí đầu tư ban đầu 20 triệu đồng và hiện đang cho thu hoạch, giá bán hiện nay từ 10.000 đồng/kg cải xà lách, thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Còn ớt chỉ thiên, khoảng 02 tháng trước giá bán 50.000 đồng/kg nay sụt xuống còn 12.000 đồng/kg ớt chỉ thiên, thu nhập bình quân từ 1,5 - 02 triệu đồng/tuần.
Có thể nói, XDNTM tạo sức bật cho sự chuyển biến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, làm cho bộ mặt NTM của huyện ngày càng khởi sắc. Từ đó tiếp thêm động lực để huyện Cầu Ngang phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2022. Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2022, huyện tập trung chỉ đạo các xã củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao. Chỉ đạo thực hiện đạt tiêu chí NTM về nhà ở, môi trường ở xã Long Sơn; xã Vinh Kim, Hiệp Mỹ Tây thực hiện tiêu chí thu nhập, y tế, giao thông, trường học, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả đề án tại cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện. tập trung phát triển mạnh các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn.
Bà Thạch Thị Nhì thu hoạch ớt.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN