Mô hình nhóm tiết kiệm và tín dụng tự quản (VSLA) - Chìa khóa giúp phụ nữ thoát nghèo
Thực hiện“Dự án Bứt phá Thúc đẩy Tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số” được tổ chức CARE Việt Nam phối hợp cùng với Hội LHPN tỉnh Trà Vinh triển khai. Đối với Hội LHPN xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú đã vận động, tuyên truyền thành lập được 05 nhóm tiết kiệm và tín dụng tự quản (gọi tắt là nhóm VSLA) với 65 thành viên, hiện đang hoạt động hiệu quả. Nhờ có mô hình, nhiều chị em đã nâng cao tính chủ động về tài chính, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Mô hình nhóm VSLA là một nhóm tiết kiệm và tín dụng tự quản tự chủ, độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại.
Chi hội phụ nữ ấp Sóc Tro Giữa là một trong những ấp thực hiện rất tốt và hiệu quả mô hình này, hiện đang hoạt động 01 nhóm có 15 thành viên, được hỗ trợ 1 két sắt, sổ quỹ tín dụng tiết kiệm của hội viên và được tập huấn kỹ năng ghi chép, quản lý quỹ. Mỗi nhóm sẽ xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với yêu cầu của các thành viên trong nhóm.
Theo đó, nhóm tổ chức họp 1 tháng/lần để gửi tiết kiệm, mỗi thành viên tại cuộc họp mua từ 1 đến 5 cổ phần, mệnh giá cổ phần do nhóm quy định 50.000 đồng. Số tiền tiết kiệm được thông qua cuộc họp và cho các thành viên trong nhóm vay, thành viên vay vốn phải trả một phần lãi do nhóm quy định.
Quang cảnh buổi họp nhóm VSLA tại ấp Sóc Tro Giữa
Tại buổi sinh hoạt, sau khi các thành viên có mặt đầy đủ, két sắt có 3 ổ khóa nhỏ (do 3 chị trong nhóm quản lý) được mở ra. Ban quản lý mỗi người một việc, người thì tính toán tiền gốc, tiền lãi trong kỳ, người thì kiểm sổ và ghi chép, người thì thu cổ phần và tiền lãi; đồng thời phát sổ cho mỗi thành viên để tự kiểm tra, đối chiếu việc mua cổ phần hàng tháng.
Nhóm VSLA của ấp Sóc Tro Giữa có 15 thành viên, sau 1 năm, các thành viên đã mua 650 cổ phần, tiết kiệm được hơn 32 triệu đồng. Số tiền này đã được 23 chị vay để phát triển kinh tế gia đình, thời gian vay là 6 tháng hoặc 12 tháng do nhóm quyết định. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm còn đóng 5.000 đồng/01 người/01 tháng để làm quỹ tương trợ, nhằm có nguồn để thăm hỏi, động viên các thành viên trong nhóm khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn.
Thành viên trong nhóm nhận tiền vay của nhóm
Tổng kết chu kỳ (1 năm), các thành viên được nhận lại số tiền mình đóng góp trong năm và một khoản lãi nhỏ. Nếu các thành viên mong muốn thực hiện chu kỳ tiếp theo thì nhóm lại tiếp tục hoạt động một chu kỳ mới. Ưu điểm của nhóm VSLA chính là các thành viên vừa là người cho vay và được vay thuận lợi. Qua đó giúp các chị em biết tính toán chi tiêu một cách khoa học, hiệu quả.
Nhóm VSLA đã và đang trở thành kênh tín dụng tin cậy, bền vững giúp cho các thành viên trong nhóm nâng cao khả năng chủ động về mặt tài chính, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Qua 03 năm hoạt động mô hình này đã giúp hợn 15 chị em hội viên thoát nghèo, mô hình sẽ duy trì tốt các hoạt động trong thời gian tới./.
Thanh Trà - Hội LHPN xã An Quảng Hữu