Gương phụ nữ điển hình tiêu biểu
Bà Lý Thị Đức Lang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ tín dụng nhân dân.
Với nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phường 6, thành phố Trà Vinh đã 22 năm cống hiến hết mình vì sự nghiệp ở lĩnh vực tín dụng. Nhờ những cố gắng bền bỉ và bề dày kinh nghiệm, hiện nay bà Lang là 01 trong 25 doanh nhân được đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen “Doanh nhân tiêu biểu” giai đoạn 2018 - 2019.
Sau hơn 20 gắn bó trong lĩnh vực tín dụng từ khi mới thành lập và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như kế toán, kế toán trưởng và Chủ tịch HĐQT từ năm 2006 đến nay. Với khả năng lãnh đạo và xây dựng chiến lược hoạt động hiệu quả của bà Lang, 15 năm gần đây, QTDND luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, riêng bà Lang hàng năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo bà Lang, QTDND hoạt động ở lĩnh vực huy động và cho vay vốn, với tôn chỉ đảm bảo 03 lợi ích “Quỹ tín dụng - thành viên - bộ máy”. Là người cầu toàn trong công việc, bà Lang luôn có gắng thực hiện hoàn hảo mọi dịch vụ phục vụ khách hàng mà đơn vị đảm nhiệm. Để thu hút khách hàng, trước tiên QTDND phải cam kết độ an toàn của dịch vụ cũng như cam kết trách nhiệm đối với những gì mình thực hiện. Độ an toàn, uy tín chính là yếu tố căn bản và quan trọng nhất mà bà Lang đã và đang xây dựng cho đơn vị mình.
Doanh nhân Lý Thị Đức Lang
Từ khi QTDND phường 6 đi vào hoạt động 1996 đến nay đã trở thành “kênh” dẫn vốn quan trọng cho người dân trên địa bàn. Nhờ đồng vốn của QTDND Phường 6, nhiều hộ gia đình từ chỗ nghèo khó nay đã vươn lên khá giả, trả được vốn vay, có tiền tái đầu tư, mua sắm các phương tiện phục vụ đời sống và sản xuất, còn khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình hình biến động tài chính trong những năm đầu mới thành lập nhưng QTDND vẫn đứng vững và phát triển, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân. Hơn nữa, 05 năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu của đơn vị giảm đáng kể dưới 0,4%/năm. Bà Lang cho biết: Để hoạt động tín dụng có hiệu quả, trước tiên QTDND phải tạo được chữ tín và niềm tin đối với khách hàng, đặc biệt là các thành viên góp vốn. Tuy nhiên, yếu tố quyết định thành công của QTDND vẫn là sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Ngoài việc thường xuyên cho cán bộ khảo sát cơ sở địa bàn, QTDND tập trung vào công tác huy động và luôn đảm bảo vốn cho khả năng chi trả, việc điều hành lãi suất cũng linh hoạt theo thị trường để giữ chân khách hàng, công tác cho vay đa dạng.
Bà Lang chia sẻ: Để có được cuộc sống hạnh phúc và hiệu quả trong công việc, dù bận rộn thế nào, tôi luôn giữ cho mình phong thái thảnh thơi, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên môi trường làm việc vui vẻ một cách nghiêm túc và làm những việc nghiêm túc một cách vui vẻ, đặc biệt là có quyết tâm cao gắn bó với công việc. Bên cạnh hoạt động tương trợ, giúp đỡ thành viên vay vốn phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, QTDND phường 6 còn là đơn vị đóng góp tích cực vào công tác xã hội của địa phương, bình quân khoảng 30 triệu đồng/năm. Bản thân bà Lang thường xuyên hỗ trợ tiền mặt, hiện vật như gạo và nhu phẩm thiết yếu cho những bệnh nhân nghèo, người nghèo, người già neo đơn… vươn lên trong cuộc sống.
Bà Thạch Thị Chal Thi – sản phẩm mật hoa dừa.
Đó là ý tưởng khởi nghiệp của chị Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh FARM ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần. Với lợi thế xuất phát từ trường nghề công nghệ thực phẩm và đã từng làm việc tại các công ty chế biến thực phẩm. Từ kinh nghiệm thực tiễn, chị Thi khởi nghiệp thành công mô hình trồng dừa lấy mật và đạt giải Nhất tại Hội thi phát triển ý tưởng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp năm 2018 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.
Những ngày giáp tết, tôi có dịp về huyện Tiểu Cần nơi có diện tích trồng dừa cao nhất tỉnh. Đến thăm mô hình khởi nghiệp trồng dừa lấy mật của chị Thi, chúng tôi vô cùng khâm phục chị Thạch Thị Chal Thi, sinh năm 1989 đã gần 07 năm theo học ngành công nghệ thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh với bằng cấp Thạc sĩ bỏ cơ hội việc làm hơn 10 triệu đồng/tháng tại thành phố nhộn nhịp về quê hương khởi nghiệp nông nghiệp với thu nhập vỏn vẻn 05 triệu đồng/tháng.
Bà Thạch Thị Chal Thi (bên trái) kiểm tra người lao động đóng chai sản phẩm mật hoa dừa cô đặc.
Chị Thạch Thị Chal Thi chia sẻ: Khoảng 03 năm trước, giá dừa giảm mạnh, có thời điểm sụt xuống còn 25.000 đồng/chục (12 trái). Tận dụng thế mạnh địa phương về chuỗi giá trị sản phẩm dừa, tôi nghiên cứu thử nghiệm 20 cây dừa của gia đình có thời gian sinh trưởng từ 04 - 15 năm tuổi để chăm sóc bằng cách hạ tàn, bón phân, tưới nước, đặc biệt là không cho cây dừa đậu trái, để dừa khỏe có sức đề kháng cao phát hoa tốt. Từ khi xử lý phát hoa đến thời gian bắt đầu chảy mật khoảng 06 tháng trở lên. Mặt khác luôn giữ cây dừa có độ cao 05m, giúp người lao động an toàn thuận lợi trong lúc lấy mật. Đến tháng thứ 7, bắt đầu lấy mật bằng phương pháp dùng ống tre hoặc ống nhựa bọc kính để hứng mật hoa dừa và cắt mặt dừa 01 lớp mỏng vòng tròn để nước mật chảy vào ống nhựa trong đêm, sáng hôm sau người lao động thu mật và vận chuyển về nhà máy tiến hành lược mật và chế biến. Hàng ngày, người lao động phải leo lên cây dừa 02 lần để lấy mật, bình quân 01 lít/cây/đêm, sau đó đóng chai bán với giá bán 132.000 đồng/chai (250ml). Sau khi thử nghiệm thành công 20 cây dừa, chị Thi tiếp tục nuôi dưỡng thêm 300 cây dừa với 02ha và thuê thêm 263 cây dừa đang cho trái trên diện tích 0,7ha của nông dân ấp Ô Trao, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần để chăm sóc, xử lý phát hoa lấy mật.
Có thể nói, nghề trồng dừa lấy mật của chị Thạch Thị Chal Thi đã dần đi vào ổn định, bình quân sản xuất 800 chai/tháng, lợi nhuận đạt 25%, giải quyết việc làm 04 lao động thu và chế biến mật hoa dừa, thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Vào dịp Tết, công ty sản xuất lên 1.000 chai/tháng phục vụ thị trường. Ngoài sản xuất nước uống mật hoa dừa, chị Thi đầu tư xây dựng mở rộng nhà xưởng để phát triển thêm một số sản phẩm liên quan mật hoa dừa thu hút người tiêu dùng hơn, như mật dừa cô đặc dùng trong pha chế thức ăn thay thế đường cát, hạt ca cao từ mật hoa dừa, kẹo mật dừa và nghiên cứu nước mật từ cây thốt nốt trong tương lai. Với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, đa dạng, phong phú các sản phẩm. Tháng 6/2019, từ hộ kinh doanh đã chuyển thể lên doanh nghiệp, cá nhân chị Thạch Thị Chal Thi được UBND tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn tỉnh và hưởng ứng phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế.
Mỹ Nhân
Báo Trà Vinh