NGƯỜI CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG NỘI Ô KIÊN CƯỜNG
Cô Hà Thị Nhạn (tên thường gọi là Minh Kiều, bí danh: Tám, Hai Sửu), sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê quán tại ấp Ba Cụm, xã Tân hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Trà Vinh), Cô sinh ra trong một gia đình trung nông mới, có 04 anh em, cô là người con thứ ba trong gia đình. Năm lên 05 tuổi cô đã mồ côi mẹ, nhưng cô sớm ý thức được cảnh nước mất nhà tan, gia đình cô bị ly tán khi thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm tỉnh Trà Vinh, chúng bắn phá, càn quét dữ dội, gây ra bao cảnh đau thương, tang tóc cho đồng bào, dân tộc mình. 15 tuổi cô gia nhập vào lực lượng Thanh niên Tiền phong tham gia nhiều hoạt động sôi nổi ở địa phương, năm 19 tuổi cô làm thư ký cho Đoàn Phụ nữ Cứu quốc xã Long Hiệp, rồi thư ký Kháng chiến hành chánh xã Long Hiệp. Năm 1950, cô được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, năm 1954 cô được cấp trên phân công về làm cán bộ Phụ nữ huyện Trà Cú, phụ trách 03 xã: Nhị Trường, Long Hiệp, Đôn Châu. Năm 1955 cô được cấp trên điều động về công tác tại xã Ngãi Xuyên (Trà Cú) và được bầu vào chi ủy viên xã Ngãi Xuyên, năm 1956 cô làm thư ký Văn phòng Phân ban tỉnh Trà Vinh (cũ) gồm 03 huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải. Hoạt động được một thời gian ngắn, sang tháng 6/1957, phân ban phân tán cô được rút về Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh phụ trách công tác Văn thư. Năm 1958 cô tiếp tục được cấp trên điều động về thị xã Trà Vinh làm cán bộ gầy dựng cơ sở trong giới lao động và tiểu thương nội ô chợ Trà Vinh, tham gia phong trào đấu tranh chính trị, vừa phát động phong trào hoạt động phụ nữ trong nội thành. Đây là nhiệm vụ đặt ra, buộc người cán bộ phải hết sức linh hoạt, khôn khéo, cô phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy hoạt động trong lòng địch. Đến năm 1960, cô được bầu vào Thị ủy viên thị xã Trà Vinh phụ trách Chi bộ nội ô, hoạt động nội thành, tiếp tục gầy dựng cơ sở trong nội ô; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ nắm thông tin địch. Lúc này cô vừa phát triển phong trào, vừa gầy dựng được nhiều cơ sở cách mạng, tổ chức được cơ sở hợp pháp, phát triển đảng viên, hoạt động bí mật trong nội ô thị xã Trà Vinh. Đặc biệt, sau “Đồng khởi” phong trào đấu tranh của phụ nữ lên cao, quy mô và liên tục, lôi cuốn đông đảo số người tham gia cao nhất, cô là một trong những người hoạt động tích cực nhất trong số đó. Những cuộc đấu tranh chính trị của “đội quân tóc dài” kéo vào thị xã Trà Vinh chống lại địch, có sức mạnh không kém gì một đội quân võ trang. Trong thời gian hoạt động tại đây cô càng hiểu rõ hơn phụ nữ phải chịu đựng nhiều nỗi thống khổ khi chồng, con, người thân bị địch bắt bớ, tù đày, thủ tiêu. Nhiều cán bộ của ta hoạt động bị bọn chiêu hồi chỉ điểm làm bại lộ bị địch bắt tra tấn, sát hại dã man, trong đó có chồng cô. Chính những điều đó luôn hun đúc lòng căm thù, tinh thần tiến công cách mạng, giúp cô dũng mãnh vượt qua tất cả, không hề nao núng và ngày càng hăng say hơn trong công tác. Qua một thời gian công tác nội thành, năm 1964 cô được phân công làm cán bộ nghiên cứu sỹ quan trong Ban binh vận tỉnh Trà Vinh. Lúc này bị địch kiểm soát ngặt nghèo, nhưng phụ nữ nội ô Trà Vinh đã làm được nhiều việc chấn động, có thể nói là phi thường. Bất chấp sự theo dõi của địch, cô vẫn bám địa bàn, bám cơ sở để hoạt động, lúc công khai, lúc bán công khai, lúc thì hoạt động bí mật, luôn “biến hóa thành muôn hình, vạn trạng” làm cho địch không sao đoán biết được. Trong suốt mười mấy năm công tác hoạt động nội thành, cô đã trãi qua bao thăng trầm, vất vã, nhiều lần bị bại lộ, địch lùng sục, tìm kiếm khắp nơi trong thị xã Trà Vinh, nhưng cô đều được bà con chở che, vượt qua mắt địch. Năm 1973, cô lui về vùng giải phóng công tác ở Khối Mặt trận, chỉ đạo phong trào nội ô từ xa, qua đường giao liên công khai, qua mật thư, móc nối những cơ sở có điều kiện ra vùng ven để nắm tình hình, giao việc. Đến năm 1975 cô tham gia cuộc khởi nghĩa tổng tiến công và nổi dậy, được phân công vào mũi phía Tây Nam thị xã Trà Vinh, cùng các đồng chí của mình cất cao lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, dốc lòng và kết thúc chiến dịch bằng mùa Xuân đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Tháng 2/1976, cô được bầu vào Ủy viên Ban Chấp, Hội Phó Hội LHPN thị xã Trà Vinh, tháng 7/1977 cô được bầu vào Ủy viên thị xã Trà Vinh, Bí thư Chi bộ phường Tri Tân, tháng 6/1978 cô được điều động về làm Chủ nhiệm Công ty Tổng hợp bán lẽ thị xã Trà Vinh cho đến khi cô về nghỉ hưu tại phường 1, thành phố Trà Vinh. Do tuổi cao, sức yếu cô bệnh mất năm 2019. Cô được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Quyết thắng hạng Nhất; Huân Chương Giải phóng hạng Ba; Huân Chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 30, 40, 50, 60 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác…Cô xứng đáng là người cán bộ nữ kiên cường, là một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ phụ nữ noi theo.
Nguyễn Thị Mười – Hội LHPN tỉnh Trà Vinh