NGƯỜI NỮ CÁN BỘ, CHIẾN SĨ DŨNG CẢM TRÊN MỌI MẶT TRẬN
Cô Trang Thị Láng (bí danh là Ba Bi), sinh năm 1929, quê quán ở ấp Từ Ô 1, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Sống dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cô và gia đình bị bọn chúng bóc lột, đàn áp rất dã man, cũng như bao người dân yêu nước, cô sớm giác ngộ cách mạng tham gia phong trào đấu tranh chống lại các chính sách tàn bạo của chúng.
Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam giết hại đồng bào ta hòng trấn áp những tổ chức, cá nhân hoạt động cách mạng. Trước sự khủng bố ác liệt của kẻ địch, một số cán bộ, đảng viên của ta hy sinh, một số bị địch bắt tù đày, nhiều anh, chị, em phải đi “điều lắng” nơi khác, một số không chịu nổi gian khổ đã phản bội đầu hàng địch và gây cho ta không ít tổn thất. Chính cũng từ trong chiến tranh khó khăn, ác liệt ấy, cô Ba Bi sớm bộc lộ bản lĩnh của một người phụ nữ Việt Nam kiên cường, có khả năng vận động thuyết phục quần chúng nên được tổ chức phân công phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng. Từ năm 1957-1960, cô được phân công vừa làm nhiệm vụ giao liên, vừa làm nhiệm vụ tiếp tế và bảo vệ số cán bộ bí mật “nằm vùng” trụ lại địa phương hoạt động (đồng chí Ba Hoành, Bảy Kiềm, Ba Hớ, Chín Huỳnh… đây là những đồng chí lãnh đạo hoạt động cách mạng thời bấy giờ). Năm 1958, được sự hỗ trợ giúp đỡ của chồng cô là ông Trần Văn Thình - cán bộ hoạt động hợp pháp, cô bám các gia đình là cơ sở cách mạng trước đó bị địch khủng bố bắt bớ, móc nối hoạt động trở lại và tiếp tục đấu tranh chống chính sách “ly khai, tố cộng, diệt cộng” của địch, đồng thời tổ chức một số cơ sở của ta cài vào chức danh Trưởng ấp, Tổ trưởng liên gia của ấp Từ Ô. Đặc biệt, năm 1959 cô đã phục vụ xuất sắc, góp phần cho ta diệt bọn phản động, tề điệp, chỉ điểm, ác ôn và chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi. Kết quả ta đã diệt 05 tên ác ôn khét tiếng, phản động ở địa phương gồm: Sáu Dành, Sáu Kiên, Quản con, Sáu Sửu, Ba Lợi.
Sau Đồng Khởi - 1960, cô tham gia nhiều cuộc biểu tình đấu tranh trực diện của lực lượng phụ nữ với bọn tề xã Hùng Hòa, Quận trưởng Tiểu Cần, Tỉnh Trưởng Trà Vinh với các yêu sách: Chống bắt lính, chống gom dân dồn vào ấp chiến lược, chống bắn phá càn quét vùng nông thôn, bắn giết đồng bào,… và tranh thủ nhiều binh sĩ đồng tình ủng hộ làm cho địch rất hoang mang. Điển hình nhất là cuộc đấu tranh chính trị táo bạo, với quy mô lớn diễn ra liên tục từ ngày 20-22/3/1961, được sự chỉ đạo của Chi bộ xã, cô tổ chức lực lượng khoảng 300 người kéo vào tề xã Rạch Lợp - Hùng Hòa trực tiếp gặp bọn đại diện và đưa ra yêu cầu địch không được bắn phá, giết người vô tội, không được càn quét vào vùng nông thôn. Bọn địch đã bắt giữ toàn bộ lực lượng đấu tranh của ta và phân hóa những người cầm đầu như: Má Bảy Diên, Sáu Lạc, má Hai Dậu để tra tấn hòng uy hiếp đoàn biểu tình. Trước tình hình diễn biến phức tạp, ngày 21/3/1961, Chi bộ chỉ đạo huy động lực lượng với quy mô toàn xã tiếp tục đấu tranh buộc chúng phải trả tự do cho những người bị bắt, hàng ngàn người biểu tình kéo vào tề xã Rạch Lợp – Hùng Hòa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo bọn ác ôn, đả đảo bọn bắt người vô cớ, phải trả tự do thả những người bị bắt”. Bọn địch hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, tên quận trưởng Tiểu Cần cho 01 Trung đội Bảo an do tên thượng sĩ Khương khét tiếng ác ôn cầm đầu ra đàn áp đoàn biểu tình, chúng dùng cả súng cối 60 ly, đại liên và các loại hỏa lực tập trung bắn xả vào đoàn người trong tay không tấc sắt, cuộc biểu tình bị dìm trong biển máu. Về phía ta đã có 6 người hy sinh (trong đó có chị 3 Thiêu là vợ của đồng chí Ba Hoành - Bí thư Chi bộ người lãnh đạo cuộc đấu tranh) và bị thương trên 30 người. Lòng căm thù giặc đã dâng lên sôi sục nhưng có một bộ phận quần chúng bị hoang mang, dao động, trước tình hình đó Chi bộ chỉ đạo cho cô Trang Thị Láng động viên tư tưởng, ổn định tinh thần và tiếp tục củng cố lại lực lượng để đấu tranh đòi xác chị Ba Thiêu và những người đã hy sinh. Ngày 22/3/1961, cô Trang Thị Láng cùng đoàn biểu tình đến gặp bọn tề xã Rạch Lợp – Hùng Hòa đòi trừng trị những tên đã giết người vô tội và đòi bồi thường nhân mạng, bọn tề xã hoảng sợ, chúng đổ cho bọn bảo an quận giết nên chúng không có trách nhiệm. Đoàn biểu tình tiếp tục đưa xác chị Ba Thiêu tiến thẳng về Dinh quận, tên Quận trưởng Tiểu Cần thấy không thể tiếp tục dùng vũ lực đàn áp nên đã xuống giọng hòa giải và đích thân hắn cùng đồng bọn ra lộ lỡ (ấp Thầy Linh) gặp đoàn biểu tình chấp nhận những yêu sách của ta và hứa sẽ giải quyết.
Với những thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo lực lượng phụ nữ đấu tranh chính trị tại xã Hùng Hòa, năm 1964 cô được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân làm Trưởng ban Đấu tranh chính trị huyện Cầu Kè. Năm 1968 chồng cô được rút về làm Phó ban Nông dân huyện Cầu Kè và hy sinh vào năm 1969, cô đã nén đau thương, tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Đầu năm 1972 cô được bầu vào Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chính trị viên Xã đội Hùng Hòa. Mùa khô năm 1972, để phối hợp với chiến trường toàn miền trong chiến dịch “Nguyễn Huệ”, cô chỉ đạo lực lượng vũ trang của xã kiên quyết đánh địch, giải phóng xã Hùng Hòa bằng lực lượng tại chỗ. Khi chiến dịch nổ ra, ta đồng loạt tấn công bao vây, siết chặt 06 đồn địch, bản thân cô trực tiếp chỉ đạo tại chiến hào sát cánh lực lượng du kích tiếp cận, xây dựng pháo đài bắn xạ kích, dùng “nạng dằn thun” bắn lựu đạn và dùng đầu đạn pháo 105 ly của địch chế tạo thành pháo bệ bắn vào đồn địch, qua 07 ngày bao vây uy hiếp, ta đã tiêu diệt 11 tên địch, làm bị thương 17 tên địch, bắt sống 03 tên địch. Trước tình hình trên, bọn bảo an quận huy động 2 Đại đội 139 và Đại đội 217 của Quận Tiểu Cần vô chi viện, bị ta chặn đánh tại cánh đồng ấp Nhì và Trà Mềm diệt hàng chục tên địch, thu một số súng AR15, buộc chúng rút chạy tại 06 đồn: Đồn ấp Nhất, đồn ấp Nhì (ấp Nhì 02 đồn), đồn Phụng Sa, đồn Te Te, đồn ấp Sáu. Trong chiến dịch này, ta giải phóng hoàn toàn xã Hùng Hòa chỉ còn lại bọn tề xã đóng tại ấp Chợ bị ta tiếp tục bao vây uy hiếp.
Bên cạnh việc tham gia đánh giặc, cô Trang Thị Láng còn làm 30 công ruộng hàng ngày nuôi 06 đứa con thơ và nuôi chứa cán bộ, bộ đội tại gia đình. Từ một cán bộ phụ nữ bình thường, cô phấn đấu trở thành Chi ủy viên cấp xã, rồi Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã và chỉ đạo đánh địch toàn diện cả về quân sự và chính trị, lập nhiều chiến công tiêu biểu, cô được cán bộ và nhân dân xã Hùng Hòa xem là một tấm gương tiêu biểu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Sau đó, cô được rút về huyện làm Trưởng ban Thương binh-Xã hội huyện Tiểu Cần. Năm 1973-1974 cô được điều động về làm Trưởng Ban Nông hội huyện Tiểu Cần. Từ năm 1975-1983 cô được lãnh đạo phân công làm Trưởng phòng Lương thực huyện Tiểu Cần và huyện Cầu Kè. Từ năm 1983-1989 cô được bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, cuối năm 1989 cô được hưởng chính sách nghĩ hưu về sinh hoạt tại chi bộ Khóm I, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Trong quá trình công tác và hoạt động cách mạng, cô được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương quyết thắng hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Ba, Huân chương giải phóng hạng Nhì, Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huy hiệu 30, 40, 50 năm tuổi Đảng. Hiện nay do tuổi cao, sức yếu cô được miễn sinh hoạt Đảng tại địa phương. Nhưng cô vẩn luôn là cây cao bóng cả, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ con cháu noi theo.
Nguyễn Thị Mười – Hội LHPN tỉnh Trà Vinh