Người phụ nữ bình dị nhưng giàu khí chất cách mạng
Vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ 19, ở xứ sở một làng quê nghèo xa xôi hẻo lánh tại huyện lỵ Càng Long, có một gia đình nông dân nghèo, chất phác, đông con nhưng lại rất coi trọng cái chữ. Trong số 9 người con, có một người con gái vượt lên trên định kiến giới, được sự ủng hộ của gia đình người con gái ấy đeo đuổi được ước mơ theo học hết cấp học, trở thành người phụ nữ trí thức nhất làng lúc bấy giờ. Không dừng lại ở đó, trong phong trào cách mạng tháng Tám năm 1945, như có luồng gió mới bùng thổi bừng lên ở bà, từ đó bà sớm giác ngộ cách mạng luôn nung nấu trong lòng một niềm đam mê bất tận, đã làm nên tên tuổi của bà cho đến mãi bây giờ, mỗi khi nhắc đến bà không ai có thể quên được hình ảnh một người phụ nữ xinh xắn, nhỏ nhắn, miệng nhai trầu bỏm bẻm trông rất bình dị nhưng tận sâu thẳm trong cỏi lòng đầy khí chất cách mạng. Đó là bà Đặng Thị Đê (tên thường gọi Sáu Đê, bí danh là Sáu Trầu) sinh năm Ất Mão (1915) trong một gia đình nhiều đời làm tá điền, tại làng Tân An, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cha bà là cụ ông Đặng Văn Hiển, mẹ là cụ bà Hồ Thị Cận. Trong số 9 anh chị em, chỉ riêng bà là có tư chất thông minh hơn người, nên dù gia cảnh rất khó khăn nhưng ông bà Đặng Văn Hiển vẫn cố gắng cho cô con gái của mình theo học hết bậc Sơ học tại trường quận, rồi Tiểu học tại trường tỉnh. Với trình độ lớp nhất (nay là lớp 5) vào thời kỳ Pháp thuộc, nhất là với phụ nữ, bà được xếp vào giới chữ nghĩa (có trí thức) của làng quê Tân An. Lớn lên bà kết hôn cùng thầy giáo Nguyễn Văn Hựu (Giáo Hựu, vốn là người học trò đàn anh tại trường Tiểu học Trà Vinh) và về quê chồng ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành sinh sống. Gần 10 năm chung sống, ông bà Nguyễn Văn Hựu - Đặng Thị Đê sinh được 03 người con là: Nguyễn Chí Toại, Nguyễn Chí Linh và Nguyễn Thị Hồng Nga. Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong tỉnh Trà Vinh được thành lập, Thủ lĩnh là Từ Bá Đước nhanh chóng lôi cuốn các tầng lớp thanh niên tham gia, đặc biệt là giới trí thức, trong đó có ông Giáo Hựu. Cách mạng Tháng Tám thành công, cả hai vợ chồng ông, bà Đê đều tham gia công tác, ông Giáo Hựu là cán bộ thuộc Ban Quân sự tỉnh Trà Vinh, còn bà Đặng thị Đê là Tổ trưởng Phụ nữ Cứu quốc xã. Tháng 12/1945, Pháp đưa quân tái chiếm Trà Vinh, ông Giáo Hựu được phân công tham gia chiến đấu chống địch tại mặt trận Vàm Trà Vinh, rồi mặt trận Chùa Hang, đến ngày 15/12, Giáo Hựu hy sinh tại mặt trận Cầu Cống (Phước Hưng, Trà Cú) và trở thành một trong những liệt sĩ đầu tiên của lực lượng vũ trang Trà Vinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau khi ông Giáo Hựu hy sinh, bà Đặng thị Đê đưa 03 con về quê Tân An sinh sống. Sau đó, bà được đồng chí Trần Thế Định - Phó Bí thư Huyện ủy giới thiệu bà tham gia công tác. Trong 2 năm 1946, 1947 được phân công làm Tổ trưởng, rồi Đoàn phó và Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc xã Tân An. Là người phụ nữ có học thức, thông minh và điềm đạm, bà nhanh chóng hòa vào phong trào quần chúng, được đông đảo chị em phụ nữ địa phương tin tưởng nghe theo sự vận động, tham gia tổ chức, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Giai đoạn này, trên địa bàn huyện Càng Long phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ nhất là hai xã Nhị Long và Tân An, gắn liền với tên tuổi hai người Đoàn trưởng tiêu biểu sau này đều được tuyên dương danh hiệu Anh hùng là Nguyễn Thị Ráo (tức Ba Thi, Anh hùng Lao động) và Đặng Thị Đê (tức Sáu Trầu, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân). Cuối năm 1947, bà chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được Huyện ủy Càng Long điều về giữ chức vụ Đoàn phó Phụ nữ Cứu quốc của huyện (Đoàn trưởng là bà Nguyễn Thị Ráo). Như được tiếp thêm sức mạnh phong trào hoạt động của phụ nữ kháng chiến huyện Càng Long phát triển rất mạnh mẽ và đều khắp từ huyện xuống các xã, ấp, Các Hội Mẹ, Hội Chị chiến sĩ được hình thành đứng ra chăm lo từ chén cơm, manh áo, viên thuốc chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn, giúp bộ đội yên tâm đánh thắng quân thù. Tại các xã, chị em phụ nữ tự nguyện tham gia vào lực lượng dân quân du kích, trực tiếp đánh giặc và làm công tác vũ trang tuyên truyền, các phong trào hũ gạo nuôi quân, nhận thương bệnh binh về nhà chăm sóc và nhận làm chồng để yêu thương, chăm sóc suốt đời… của phụ nữ Càng Long nhanh chóng lan ra cả tỉnh.
Tháng 7/1948, bà được đề bạt Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc huyện Càng Long, năm 1949 bà được Tỉnh ủy Trà Vinh phân công Đoàn phó Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Trà Vinh. Chiến trường Trà Vinh trong những năm 1949, 1950 rất sôi động với những chiến dịch lớn như Bắcsama - Cầu Kè, chiến dịch Mùa Xuân 1950 làm khiếp đảm quân thù. Chiến công của các đơn vị chủ lực như 307, 308, 310 cùng địa phương quân tỉnh và các huyện không thể tách rời công tác đảm bảo hậu cần tại chỗ của đội quân quần chúng, mà người trực tiếp tham gia điều hành là Đoàn phó Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Đặng Thị Đê. Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tỉnh, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc các huyện, các xã cùng Hội Mẹ, Hội Chị chiến sĩ trực tiếp đứng ra vận động Nhân dân lo chỗ ăn nghỉ, chuyện cơm nước cho hàng trăm, có khi lên tới hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Khi chiến dịch diễn ra, chính chị em, với những chiếc xuồng, chiếc võng và đôi vai của mình đã vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược vào tuyến trước, đưa anh em thương binh, tử sĩ ra tuyến sau. Bên cạnh việc phục vụ chiến đấu, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc còn là nhân tố tích cực, hiệu quả trong công cuộc tạm cấp ruộng đất cho nông dân, phát động nữ giới trong giai cấp nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa cải thiện cuộc sống gia đình, vừa nâng cao tiềm lực kháng chiến tại chỗ, đóng góp tích cực vào chiến thắng chung của quân dân tỉnh nhà. Năm 1951, khi tỉnh Trà Vinh nhập với tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh Vĩnh Trà, bà Đặng Thị Đê tiếp tục là Đoàn phó Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Vĩnh Trà.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Genève về tái lập hòa bình trên bán đảo Đông Dương được ký kết và có hiệu lực thi hành, bà Đặng Thị Đê được Đảng phân công ở lại miền Nam công tác với nhiệm vụ Phó ban Phụ vận tỉnh Trà Vinh. Cuối năm 1954, bà được đề bạt giữ chức vụ Trưởng ban Phụ vận tỉnh Trà Vinh, đầu năm 1955 được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, là nữ duy nhất được bầu vào Tỉnh ủy viên giai đoạn 1954-1960 đầy thử thách ác liệt. Thời kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Trà Vinh là tỉnh dẫn đầu công tác đô thị, hoạt động nội thành và phong trào đấu tranh trực diện đòi địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ thành quả về ruộng đất, đòi bình thường hóa quan hệ hai miền Nam - Bắc kết hợp với đòi các quyền dân sinh, dân chủ… Trong thành tích chung đó, công tác phụ vận và phong trào phụ nữ có sự đóng góp vô cùng quan trọng mà chính bà Đặng Thị Đê là người đứng ra lãnh đạo.
Nhờ là cán bộ nữ, dễ tạo thế hợp pháp với địch lại có trình độ học vấn, thông minh, giỏi ứng xử nên bên cạnh công tác phụ vận, bà được Tỉnh ủy phân công phụ trách mở đường giao thông liên lạc công khai giữa Tỉnh ủy Trà Vinh với Liên Tỉnh ủy Miền Tây, với Xứ ủy Nam bộ; giữa Tỉnh ủy Trà Vinh với các Huyện, Thị ủy cũng như với các cán bộ trọng yếu của tỉnh đang điều lắng hoạt động ở Sài Gòn và các tỉnh khác (trong tình thế đó, ta phải tổ chức các tuyến giao thông liên lạc hóa trang thành thường dân, lẫn lộn trong dân, tạo thế hợp pháp công khai đi lại trong tầm kiểm soát hoặc ngay dưới mắt địch). Những tuyến đường thông suốt và an toàn giữa Tỉnh ủy Trà Vinh với Liên Tỉnh ủy miền Tây và với Xứ ủy Nam bộ, trong đó có những chuyến đưa rước những vị khách đặc biệt như Phạm Thái Bường, Võ Văn Kiệt, Vũ Đình Liệu, Trần Văn Long, Phạm Văn Kiết, La Lâm Gia… được Liên Tỉnh ủy miền Tây đánh giá cao. Do vậy, tháng 2/1957, đồng chí Bí thư Liên Tỉnh ủy Phạm Thái Bường quyết định thành lập Ban Giao thông công khai (mật danh là “Nam Định”) trực thuộc Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy và chỉ định điều động bà Đặng Thị Đê giữ chức vụ Phó ban Giao thông công khai, đến tháng 2/1959 đề bạt bà lên làm Trưởng ban. Trong hồi ký của mình, bà kể lại có những chuyến “chủ” và “khách” hóa trang thành một gia đình địa chủ hoặc tư sản, mà cũng có khi là một gia đình sĩ quan ngụy đi trên những chiếc võ lãi hạng sang, được trang bị những thủy động cơ đời mới nhất, xé nước công khai vượt qua đồn bót và các trạm canh gác, các tàu thuyền tuần tiểu của địch. Trên đường đi phải thường xuyên cảnh giác và đối phó với bọn mật vụ, cảnh sát chìm, bọn đầu hàng, phản bội mà địch bố trí khắp các chốt đường quan trọng để nhận diện cán bộ ta…
Từ chỗ chỉ có vài người khi mới thành lập, trải qua quá trình chiến đấu và công tác, đáp ứng yêu cầu của thực tế tình hình khi cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, Ban Giao thông công khai khu Tây Nam bộ từng bước trưởng thành, hình thành một “lực lượng bán quân bán chính”, có lúc lên đến cả ngàn người với một mạng lưới rộng khắp, bao gồm hàng trăm trạm khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lên Sài Gòn, miền Đông Nam bộ, ra miền Trung và sang cả Campuchia, trong đó có hàng chục “trạm đầu cầu” (trạm chính chịu trách nhiệm điều hành một số trạm chung quanh). Tại cơ quan Ban Giao thông công khai, có bộ phận chuyên nghiên cứu hóa trang cán bộ và làm giấy tờ tùy thân giả; có đội vận tải thủy (cả vận tải sông lẫn vận tải biển và vận tải bộ) với các phương tiện như: Võ lãi, ghe tải, tàu khách, nhiều loại xe gắn máy, mô tô, ô tô… Chính nhờ sự trưởng thành, hoạt động hiệu quả của Ban Giao thông công khai, dưới sự lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trực tiếp của bà Đặng Thị Đê mà mạch máu giao thông liên lạc giữa Khu ủy khu Tây Nam bộ với Trung ương cục; giữa Khu ủy với các Tỉnh ủy luôn thông suốt, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên địa bàn sông nước Cửu Long.
Đầu năm 1969, sau thời gian dài liên tục đứng mũi chịu sào trên một mặt trận đòi hỏi nhiều mưu lược này, bà Đặng Thị Đê lâm bệnh nặng.Thường trực Khu ủy khu Tây Nam bộ đồng ý cho bà tạm thôi công tác để điều trị bệnh. Do điều kiện chiến trường khắc nghiệt nên việc điều trị ở bệnh viện khu, rồi Viện Quân y K79 của Trung ương cục không hiệu quả, bà Đặng Thị Đê được Trung ương cục đưa ra Bắc, rồi sang Bắc Kinh điều trị. Tháng 5/1973, bà trở về chiến trường miền Nam và được phân công về công tác tại Ban Tổ chức, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng bà được phân công công tác tại Bảo tàng Phụ nữ miền Nam. Năm 1978, ở độ tuổi 63 bà được nghỉ hưu, năm 2000 do bệnh cũ tái phát, bà Đặng Thị Đê từ trần, hưởng thọ 85 tuổi.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhất là giai đoạn lãnh đạo Ban Giao thông công khai khu Tây Nam bộ (1957-1969), bà Đặng Thị Đê được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1995. Ngoài ra, Bà còn được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 30, 40, 50 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quí khác.
Nguyễn Thị Mười – Hội LHPN tỉnh Trà Vinh