Đầu ra nông sản ở Trà Vinh bấp bênh do dịch bệnh
Hơn 01 tháng nay, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là giá mặt hàng nông sản không chỉ sụt giảm mạnh, đầu ra bấp bênh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động trao đổi hàng hóa nông sản tự sản tự tiêu giữa nông dân với thương lái bị thu hẹp lại ở phạm vi trên địa bàn.
Bà Đinh Thị Hết, ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long cho biết: từ khi dịch bệnh biến phức tạp, đầu ra nông sản bấp bênh, giá bán sụt giảm do thực hiện giãn cách xã hội nên khâu tiêu thụ nông sản của các thương lái bị thu hẹp. Trước đây, với 2.000m2 hành, hẹ, bà cung cấp cho thương lái bình quân từ 50 - 100kg/ngày, nhưng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đầu ra bấp bênh có khoảng thời gian thương lái không mua, mặt hàng hành lá quá thời gian thu hoạch bị thất thoát nhiều, nhưng nhờ kinh nghiệm chia thời gian xuống giống từng đợt và xoay vòng trong tháng để vừa có hàng hóa bán thường xuyên, vừa tránh dội hàng đụn chợ. Gần đây, thương lái hoạt động thu mua nông sản trở lại, nhưng số lượng thu mua không nhiều, chỉ giải quyết từ 10 - 20kg hành, hẹ/ngày. Đây là biện pháp giải quyết đầu ra, nhưng lợi nhuận giảm nhiều so với trước, bình quân lợi nhuận đạt 04 - 05 triệu đồng/1.000m2. Giá hành, hẹ hiện nay dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg so với những tháng trước.
Bà Phạm Thị Thiên ngụ cùng ấp cho biết thêm: vừa qua bà bỏ hết gần 10 liếp ngò rí do ảnh hưởng dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội các quán kinh doanh thức ăn sáng tạm ngừng hoạt động nên không có thương lái thu mua. Dù vậy, bà vẫn thu hồi vốn nhờ những liếp cải xà lách và rau muống. Với 1.500m2 đất lúa kém hiệu quả, gần 01 năm nay bà lên liếp chuyển sang trồng rau muống, xà lách và ngò rí xoay vòng trong tháng, lợi nhuận đạt từ 06 - 10 triệu đồng/1.000m2 tùy theo giá. Cứ 10 ngày bà thu hoạch 01 một sản phẩm để bán, nhờ vậy nên giữ mối liên kết với thương lái để giải quyết đầu ra. Tuy dịch bệnh Covid-19 lần này diễn biến phức tạp, địa phương thành lập các chốt trạm kiểm dịch nên hoạt động thương lái bị thu hẹp nhưng thương lái vẫn thu mua hàng hóa của gia đình bà với số lượng có hạn từ 20 - 30kg/ngày. Trong 03 sản phẩm rau muống, ngò rí, xà lách, thì mặt hàng ngò rí thua lỗ, nhưng bù lại mặt hàng xà lách và rau muống đã thu hồi vốn. Với diện tích trên, bà tiếp trồng lại rau muống, ngò rí, xà lách. Đối với mặt hàng ngò rí bà mới xuống giống được vài ngày với mục đích khi giãn cách xã hội được giải phóng, dịch vụ quán ăn hoạt động trở lại, thì mặt hàng ngò rí vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt hàng xà lách, rau muống khoảng 01 tuần nữa thu hoạch, giá bán tại ruộng hiện nay 8.000 đồng/kg xà lách, rau muống 4.000 đồng.
Ông Phạm Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: trong 07 tháng đầu năm 2021 kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển cơ bản ổn định, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển tương đối toàn diện. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Đối với cây lúa, vào thời điểm thu hoạch, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thương lái ngoài tỉnh vào địa bàn xã thu mua giảm. Tuy nhiên xã đã kịp thời giúp nông dân giải quyết đầu ra sản phẩm lúa bằng cách giãn cách ngày thu hoạch và bán cho thương lái với số lượng nhỏ và vừa nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát hoạt động ra vào của các thương lái tại địa bàn. Song song đó, đầu ra sản phẩm nông sản hoa màu cũng gặp không ít khó khăn. So với các địa phương khác, ngoài cây lúa chủ lực, diện tích sản xuất hoa màu các loại trên địa bàn xã Huyền Hội không lớn nên đầu tư sản phẩm phần lớn các hộ dân tự sản tự tiêu. Diện tích hiện nay xuống giống đạt khoảng 50 - 60ha. Tính từ đầu năm 2021 đến nay hơn 250ha chủ yếu rau màu các loại, trong đó có 34ha diện tích đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng màu; cây ăn trái chủ yếu thanh long khoảng 20ha. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá sản phẩm sụt giảm, đầu ra lúc đầu thực hiện giãn cách xã hội gặp không ít khó khăn nhưng đối với mặt hàng sản phẩm có số lượng lớn, xã tạo điều kiện cho thương lái hoạt động giao thương với các chợ đầu mối trong huyện để giải quyết đầu ra cho nông dân.
Bà Đinh Thị Hết, ấp Bình Hội, xã Huyền Hội chăm sóc màu.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN