Xây dựng mô hình học tập linh hoạt, ứng dụng công nghệ để mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức cho phụ nữ 16/04/2025
Chiều 16/4, nhằm phát huy kết quả của Chương trình phối hợp số 01/CTPH-HLHPNVN-HKHVN ngày 23/6/2017 giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam về đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2017-2020, Hội LHPN Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ ký kết tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2025-2030.
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (hàng đầu, bên phải) và nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan (hàng đầu, bên trái) ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2025 - 2030
Chương trình phối hợp được tổ chức nhằm tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam trong việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2025 - 2030 nhằm tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phong trào "Bình dân học vụ số"; về vị trí, vai trò của việc tự học, học tập suốt đời nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhận lực quốc gia, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phối hợp vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia các mô hình học tập, các hoạt động hỗ trợ trẻ em được học tập, góp phần thực hiện tốt phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" do Thủ tướng Chính phủ phát động, tạo tiền đề xây dựng người phụ nữ Việt Nam có tri thức, văn minh và tiến bộ, đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.
Việc ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn giữa hai tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm góp phần cùng với các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quán triệt sâu sắc quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời”. Đặc biệt, Chương trình phối hợp sẽ chú trọng đến việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn, trang bị kỹ năng số cho phụ nữ; xây dựng các mô hình học tập linh hoạt, ứng dụng công nghệ để mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở khu vực khó khăn.
Toàn cảnh chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhận định: “Ngày nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, tạo nên những biến đổi to lớn trong đời sống xã hội và đặt ra những yêu cầu mới đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, việc học tập suốt đời trở thành một yêu cầu cấp thiết”.
Thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu tích cực tự học, sáng tạo trong lao động, công tác, có nhiều đóng góp cho cộng đồng; nhiều tấm gương tiêu biểu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có nhiều nghiên cứu, sáng kiến giải pháp hiệu quả mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn, trong sản xuất và đời sống; nhiều người nhờ tự học, tự nghiên cứu áp dụng kiến thức, kinh nghiệm để sản xuất đã giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới và đóng góp cho kinh tế-xã hội ở địa phương; có nhiều người ở tuổi "thất thập cổ lai hy" những vẫn theo học cao học, làm luận án tiến sĩ chỉ với mục đích học để làm gương cho con cháu noi theo và khuyên con cháu "học, học nữa, học mãi".
Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến phát biểu khai mạc buổi lễ
Góp phần vào thành tựu chung đó, có sự tham gia đóng góp rất quan trọng của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Khuyến học Việt Nam với tâm huyết với sự nghiệp "trồng người” góp sức nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Hội LHPN Việt Nam với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, luôn xác định khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện.
Trong giai đoạn 2017-2020, Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực
Trong giai đoạn 2017-2020, Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Hàng triệu lượt phụ nữ được tiếp cận với các hình thức học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện và lứa tuổi. Nhiều mô hình học tập tiêu biểu như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội LHPN Việt Nam đã và đang tích cực triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, bằng nhiều hoạt động cụ thể. Trên cơ sở kế thừa và phát huy phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, TW Hội đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng tới xây dựng hình ảnh người phụ nữ có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Bên cạnh đó, các đề án hỗ trợ khởi nghiệp, bồi dưỡng cán bộ nữ cũng được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, phát huy tiềm năng; quan tâm phát hiện, biểu dương tôn vinh điển hình phụ nữ nỗ lực học tập, nghiên cứu thông qua việc duy trì các Giải thưởng uy tín (Giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam).
Các cấp Hội LHPN đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, tham gia các lớp học xóa mù và sau xóa mù chữ
Các cấp Hội LHPN đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, tham gia các lớp học xóa mù và sau xóa mù chữ. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ mang tính nhân văn và thiết thực như “Quỹ học bổng Tiếp bước cho em đến trường”, “Quỹ học bổng Nguyễn Thị Định”, Chương trình “Triệu phần quà San sẻ yêu thương” và “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trao tặng máy tính cho phụ nữ, học sinh... Đặc biệt, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được triển khai đến nay đã huy động được 193,05 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 32.203 trẻ mồ côi bằng nhiều hình thức như: nhận đỡ đầu lâu dài, hỗ trợ học phí , tặng xe đạp, đồ dùng học tập, quần áo, sách vở… Những hoạt động thiết thực ấy không chỉ giúp phụ nữ và trẻ em vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn mở ra cánh cửa giáo dục, vun đắp ước mơ và tạo nền tảng cho một tương lai phát triển bền vững nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam, ngày càng trở nên quan trọng. Hội LHPN Việt Nam với nguồn nhân lực lớn, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức các nhóm lớp “bình dân học vụ số”, hỗ trợ người dân, nhất là phụ nữ nâng cao năng lực sử dụng công nghệ số trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như trong đời sống hằng ngày.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam, ngày càng trở nên quan trọng
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hình thức gần gũi, hiệu quả như tuyên truyền miệng, toạ đàm, các phong trào thi đua thiết thực. Trong chương trình phối hợp, cần đẩy mạnh vai trò phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cụ thể là Hội LHPN Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam trong giáo dục toàn diện, để mỗi em học sinh đều được chăm lo và phát triển trong môi trường tích cực, an toàn và lành mạnh. Đồng thời, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam mong rằng Hội LHPN Việt Nam sẽ có các chương trình, kế hoạch chỉ đạo Hội LHPN các cấp tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt tinh thần học tập suốt đời, đồng thời thực hành "lối sống xanh", "kỹ năng xanh", ứng dụng tốt các kỹ năng trong giải quyết các vấn đề xã hội để làm gương cho trẻ em cũng như lên tiếng trước các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em và phụ nữ.
Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ, trao học bổng cho các nữ sinh có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Đây chính là động lực để bồi dưỡng lớp trí thức nữ kế cận, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển và bền vững.
Tại chương trình đã diễn ra Lễ ký kết thực hiện Chương trình phối hợp đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2025-2030 giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam với 5 nội dung quan trọng.
* Chương trình phối hợp giai đoạn 2025-2030 tập trung các nội dung: 1. Phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đất nước hiện nay. Phối hợp vận động hội viên, phụ nữ, nhân dân thực hiện phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đầy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" do Thủ tướng Chính phủ phát động; Lồng ghép, cụ thể hóa các nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Mẹ đỡ đầu", phong trào "Bình dân học vụ số"; Phối hợp xây dựng và triển khai chương trình "Khuyến học xanh" nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" theo định hướng phát triển tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh; Cung cấp các tài liệu tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cho Hội LHPN, Hội Khuyến học các cấp để phối hợp tuyên truyền tới hội viên, phụ nữ và Nhân dân. 2. Tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN, Hội Khuyến học các cấp duy trì các mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại cộng đồng; vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tích cực học tập, phát triển văn hoa đọc và tham gia, thực hiện mô hình "Công dân học tập" tại nơi mình cư trú và đơn vị công tác. Coi việc thực hiện các mô hình học tập là một tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong mỗi cơ quan, đơn vị. 3. Phối hợp vận động hội viên, phụ nữ, cha mẹ học sinh tham gia các hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc, đảm bảo an ninh, an toàn cho giáo viên; phối hợp với ngành giáo dục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong và ngoài nhà trường, tham gia các hoạt động hỗ trợ trẻ em mồ côi, yếu thế được đi học. Vận động trẻ em gái, đặc biệt ở những vùng khó khăn, dân tộc thiểu số tham gia các lớp học xóa mù chữ và sau xóa mù chữ, tham gia học tập tại Trung tâm học tập cộng đồng ở địa phương. 4. Phối hợp củng cố, đẩy mạnh vận động chương trình khuyến học, khuyến tài trong các cơ quan, đơn vị để động viên kịp thời cán bộ, hội viên, người lao động và con em có nhiều cố gắng, đạt thành tích tốt trong học tập. Vận dụng nguồn lực thực hiện Chương trình phối hợp từ nhiều nguồn (chương trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia...), đặc biệt vận động xã hội hóa từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, góp phần thực hiện tốt các hoạt động của Chương trình phối hợp. 5. Phối hợp phát hiện, biểu dương, khen thưởng và tuyên truyền điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong học tập suốt đời. Hàng năm phối hợp phát hiện, lựa chọn những cá nhân tiêu biểu trong học tập, cống hiến, tự học thành tài, lựa chọn giới thiệu tham gia các giải thưởng "Phụ nữ Việt Nam", "Nhân tài đất Việt" ... và phối hợp lựa chọn trao học bổng "Học không bao giờ cùng". |
* Theo thống kê, nước ta hiện vẫn còn trên 734.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (chiếm 1,15%) và trên 1.731.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (chiếm 2,71%). Tỷ lệ phụ nữ từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 95,72%, thấp hơn của nam giới (97,53%). Tỷ lệ huy động người học xoá mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. |
BBT sưu tầm từ (Minh Trang)