Phụ nữ Cầu Kè chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới ở địa phương
Để góp phần cùng địa phương xây dựng đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cầu Kè đã tập trung triển khai, chung tay thực hiện nhiều mô hình, phần việc liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong việc vệ sinh môi trường, xử lý rác thải. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay và thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.
Xác định nhiệm vụ cùng chung tay với địa phương thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh là nhiệm vụ quan trọng, nên ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cầu Kè đã xây dựng Kế hoạch số 07-KH/BTV, ngày 15/3/2024 về nâng cao chất lượng hoạt động mô hình chi hội “5 có, 3 sạch” gắn với mô hình xử lý, thu gom rác thải nhựa trên địa bàn huyện Cầu Kè. Chỉ đạo 100% Hội cơ sở tiếp tục triển khai tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ về tiêu chí “5 không 3 sạch” và “5 có 3 sạch” ở các xã nông thôn mới nâng cao được 533 cuộc, có 13.483 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham dự. Rà soát các hộ gia đình chưa đạt tiêu chí xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn. Đồng thời, duy trì hoạt động 67 mô hình xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” gắn với phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, với 1.345 thành viên tham gia. Xây dựng, nhân rộng 54 mô hình, với gần 1.100 hộ tham gia phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ngoài ra, còn duy trì các tổ tự quản thu gom rác, CLB phụ nữ Khmer với tiêu chí 3 sạch, Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với túi nilon”, tuyến đường ngõ sạch,… Ngoài việc tuyên truyền thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình thông qua các cuộc họp lệ, Hội còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến tận các hộ gia đình hội viên. Hơn nữa, các thành viên tham gia mô hình cũng là những tuyên truyền viên, hướng dẫn cho những hộ xung quanh cùng tham gia phân loại rác thải, phần lớn hội viên và người dân khi được tuyên truyền thì đều đồng tình, thống nhất cao và cùng tham gia thực hiện. Đến nay có 16.461 hộ hội viên biết cách phân loại rác thải tại hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 89% so với tổng số hộ hội viên toàn huyện.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Cầu Kè còn phối hợp với Hội LHPN tỉnh Trà Vinh, Tổ chức NMA-Na Uy thành lập mới 03 nhóm cộng đồng tự quản bảo vệ môi trường, nâng tổng số đến nay có 08 nhóm, với 135 thành viên tham gia và tổ chức tập huấn hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải bằng phương pháp sử dụng men vi sinh IMO cho thành viên nhóm cộng đồng tự quản bảo vệ môi trường và hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện nhằm giúp hội viên, phụ nữ biết cách thực hiện phân loại xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng men vi sinh IMO tại gia đình; thực hành cách làm men vi sinh IMO ứng dụng vào xử lý rác thải hữu cơ để làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần bảo vệ môi trường; sử dụng trong chăn nuôi, chăm sóc, trồng hoa kiểng, vệ sinh nhà cửa,…
Là một trong những hội viên được tập huấn hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải bằng phương pháp sử dụng men vi sinh IMO, chị Đặng Thị Lũy ở ấp Cả Chương, xã Phong Thạnh cho biết: “Sau khi được tập huấn hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải bằng phương pháp sử dụng men vi sinh IMO, tôi thấy rất hữu ích, thiết thực, nhất là trong việc bảo vệ môi trường. Sau khi tập huấn về là tôi thực hành ngay ở gia đình. Ủ men vi sinh IMO này thì hoàn toàn không có chất độc hại, có thể dùng để bón, tưới cho rau cải, cây trồng trong vườn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của gia đình mà còn giúp bảo vệ môi trường xung quanh. Ngoài ra, khi sử dụng men vi sinh này trong việc vệ sinh nhà cửa thì cũng rất tiện lợi, giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ; còn có thể dùng để dội rửa chuồng bò, chuồng heo cũng rất là sạch, không có mùi hôi.”
Chị Đặng Thị Lũy dội rửa chuồng heo bằng phương pháp ủ men vi sinh IMO
Không những có thế, Hội LHPN huyện Cầu Kè còn tiếp tục duy trì 11 mô hình “Ngôi nhà tái chế - Vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” ở các xã, thị trấn với 113 thành viên là chị em hội viên phụ nữ ở địa phương tham gia. Các thành viên tham gia mô hình thực hiện và vận động hội viên, người dân địa phương thu gom vỏ chai nhựa, các vật liệu có thể tái chế được sau đó tập kết vào ngôi nhà tái chế để bán. Số tiền thu được sẽ dùng để gây quỹ hỗ trợ cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiếu học. Bên cạnh đó, các thành viên trong mô hình còn có trách nhiệm thực hiện và tuyên truyền, vận động người dân địa phương cùng thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh môi trường; tích cực vận động các tổ chức, mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm cho chị em phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhằm góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở địa phương. Từ khi thành lập đến nay đã bán được hơn 2.200kg phế liệu, thu về số tiền hơn 6 triệu đồng. Vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp tiền, hiện vật được gần 4 triệu đồng. Qua đó, đã hỗ trợ 43 chị em phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Từ khi mô hình “Ngôi nhà tái chế - Vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” được thành lập, chị Lý Thị Ngân Hải ở Chi hội phụ nữ ấp 1, xã Phong Phú đã luôn đi đầu trong việc thu gom các vật liệu có thể tái chế được để tập kết vào ngôi nhà tái chế. Chia sẻ về việc tham gia mô hình, chị Ngân Hải chia sẻ: “Từ khi mô hình “Ngôi nhà tái chế - Vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” của Hội LHPN xã được ra mắt, bản thân tôi thấy mô hình này rất hay và ý nghĩa nên đã mạnh dạn tham gia và tích cực, gương mẫu thực hiện. Thay vì ở nhà vỏ chai nhựa, vỏ lon nước ngọt, lon bia, bìa carton… vứt bỏ thì bây giờ tôi thu gom lại để đóng góp vào ngôi nhà tái chế. Lâu lâu được nhiều thì bán, rồi lấy số tiền đó để đem giúp đỡ cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, rồi giúp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà hiếu học có thêm điều kiện đến trường, đến lớp cùng bạn bè, thầy cô, được học hành để có tương lai tươi sáng hơn sau này, giúp ích cho xã hội. Thật sự tôi thấy mô hình này rất ý nghĩa, làm được việc ý nghĩa thì bản thân tôi thấy rất vui.”
Chị Lý Thị Ngân Hải thu gom rác thải tái chế để đóng góp vào ngôi nhà tái chế của xã
Đặc biệt, trong năm 2024 này, Hội LHPN huyện Cầu Kè còn phối hợp với các đơn vị, địa phương ra mắt mô hình “Cù lao Tân Quy không rác thải nhựa”, gồm 10 tổ với 300 thành viên là hội viên, đoàn viên và người dân trên địa bàn ấp Tân Quy 1 và Tân Quy 2 tham gia. Mục tiêu của mô hình là tuyên truyền, vận động 100% thành viên mô hình biết cách phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình; đặc biệt là hạn chế dùng các loại bọc, túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy gây ảnh hưởng môi trường, sử dụng giỏ xách đi chợ, sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng trong sinh hoạt gia đình… Qua một thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại những hiệu quả tích cực đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của các hội viên, đoàn thể và người dân đối với việc chung tay phòng chống rác thải nhựa, không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phụ nữ huyện còn đăng ký và thực hiện 16 công trình tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh; ươm và trồng được trên 4.800 chậu hoa kiểng các loại, vệ sinh làm cỏ, chăm sóc cây kiểng,… trên 18 tuyến đường hoa với chiều dài gần 19.000m.
Nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp trong thời gian tới, bà Triệu Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Kè cho biết: “Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ sở hội tổ chức các đợt ra quân vệ sinh cảnh quan môi trường, trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa do Hội quản lý. Duy trì và nhân rộng mô hình xây dựng gia đình "5 không 3 sạch, 5 có 3 sạch" gắn với phân loại xử lý rác tại hộ gia đình. Tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các nhóm cộng đồng tự quản bảo vệ môi trường ở các xã, thị trấn để cùng thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp ủ men vi sinh IMO tại hộ, sử dụng men vi sinh để trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc và trồng hoa từ rác thải hữu cơ để góp phần bảo vệ môi trường. Vận động thu gom rác nhựa tái chế để bỏ vào ngôi nhà tái chế do Hội quản lý và kinh phí đó là để hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở 11 xã, thị trấn. Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành thường xuyên kiểm tra chỉ đạo hội cơ sở về vận động và hướng dẫn các thành viên tham gia mô hình Cù lao Tân Quy không rác thải nhựa thực hiện tốt các nội dung đã đăng ký nhằm đạt hiệu quả theo kế hoạch đã đề ra”.
Với những phấn đấu, nổ lực không ngừng của các cấp Hội LHPN huyện Cầu Kè trong thời gian qua đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực góp phần cùng với huyện Cầu Kè xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023 và tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí môi trường trong thời gian tới./.
Thu Thủy