Trẻ em không phải là một “món hàng”
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh là nơi che chở những mãnh đời bất hạnh, trong đó có trẻ bị chính cha, mẹ ruột của mình đem bán và đã được Công an Trà Vinh kịp thời phát hiện, giải cứu. Theo Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam, trẻ em có quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục bởi cha mẹ, những người thân cho đến khi trưởng thành chứ không phải trở thành “món hàng” để đem đi mua, bán. Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng về đạo đức mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Một bé gái mới hơn 50 ngày tuổi là nạn nhân trong vụ mua, bán người dưới 16 tuổi xảy ra tại phường 8, thành phố Trà Vinh vào cuối năm 2022. Thời điểm ấy, cháu nằm trong tay một đối tượng ở Hà Tĩnh và đang trên đường đến bến xe miền tây để thực hiện việc mua, bán với một người phụ nữ ở tỉnh Đắk Nông. Rất may, cuộc giao dịch ấy không thành công. Lực lượng Công an Trà Vinh đã kịp thời phát hiện và giải cứu bé gái khi đối tượng vừa di chuyển đến địa phận tỉnh Bến Tre.
Bé gái là nạn nhân trong vụ mua, bán người dưới 16 tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh
Với các tài liệu, chứng cứ mà Công an Trà Vinh có được, Nguyễn Hữu Dương (31 tuổi), trú tại tổ Dân phố 1, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tỉnh đã khai nhận mua bé gái này từ một cặp vợ chồng ở ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, với số tiền 18 triệu đồng và dự định mang bé đem bán lại cho một người phụ nữ ở Đắk Nông, với giá 23 triệu đồng. Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã gửi cháu đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã chứng minh được Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, 28 tuổi, ngụ khu phố 4, tổ 4, phường Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và vợ là Thạch Thị Kim Nhung, ngụ ấp Hòa Lạc A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã đồng thuận bán con ruột của mình cho Nguyễn Hữu Dương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hữu Dương, Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Thạch Thị Kim Nhung về hành vi can tội mua, bán người dưới 16 tuổi.
Theo lời khai của bị can Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, Tuấn và Nhung chưa đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới, vì yêu thương nhau mà sống chung như vợ chồng và có với nhau 4 mặt con, cháu lớn nhất 5 tuổi, nhỏ nhất là hơn 6 tháng tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng Tuấn có khi đi làm ở Bình Dương, có khi về Trà Vinh nương nhờ nhà vợ, với đồng lương phụ hồ của Tuấn và công việc bán vé số hàng ngày của cha vợ không thể đủ để xoay sở cho cả gia đình, nhất là chăm lo cho những đứa trẻ. Khi nghe vợ bàn muốn đem bé út (lúc đó mới gần 2 tháng tuổi) cho một gia đình hiếm muộn, để cuộc sống của bé tốt hơn thì Tuấn đồng ý và cả hai vợ, chồng thống nhất nhận “bồi dưỡng” 18 triệu đồng từ phía Nguyễn Hữu Dương. Số tiền nhận được từ việc bán con, vợ chồng Tuấn mua một chiếc máy làm phương tiện đi lại và trả nợ.
Mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi câu chuyện đều có lý do của nó nhưng không phải ai cũng lựa chọn cách giải quyết như nhau. Ngoài xã hội, không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn đến cùng cực nhưng họ vẫn gồng ghánh, bươn chảy để thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của những người làm cha, làm mẹ, thậm chí có trường hợp còn sẵn sàng hy sinh tính mạng để giành lại sự sống cho con. Còn trường hợp của vợ, chồng Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn thì đành lòng mang đứa con do mình dứt ruột sinh ra để đổi lấy một ít vật chất và những giọt nước mắt muộn màng.
Khi phóng viên tìm đến người mẹ bị khởi tố trong vụ án này thì lại càng thấy chạnh lòng hơn khi chứng kiến cảnh 3 đứa trẻ quấn quýt bên người mẹ mới 21 tuổi đang đối diện với bản án lương tâm của chính mình. Thạch Thị Kim Nhung kể lại qua mạng xã hội thấy có hội cho và nhận con nuôi, Nhung đã đăng tin muốn tìm gia đình hiếm muộn để cho bé gái 50 ngày tuổi và được Nguyễn Hữu Dương liên hệ, trao đổi, ngã giá với thân phận là một người phụ nữ cần tìm con nuôi. Cuộc giao dịch được diễn ra một cách nhanh chóng sau đó với niềm tin rằng bé con sẽ có cuộc sống tốt hơn khi được nuôi dưỡng trong một gia đình khá giả và tất cả điều tốt đẹp đó chỉ là trong suy đoán và suy nghĩ của Nhung chứ hoàn toàn không có một sự cam kết chắc chắn nào bằng văn bản từ phía người nhận nuôi và sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Nhung cho biết em vào trang cá nhân của người nhận nuôi, thấy gia đình họ khá giả nên em cũng yên tâm mà không có yêu cầu làm giấy tờ gì.
Thương cho hoàn cảnh bi đát của người mẹ trẻ này bao nhiêu thì càng trách cho sự thật thà đến ngây thơ của những người cha, người mẹ khi bước vào đời ở lứa tuổi còn quá non nớt. Số phận đứa trẻ ấy sẽ trôi về đâu, khi các đường dây mua bán người, thậm chí xuyên quốc gia đã được lực lượng Công an các tỉnh, thành phanh phui và thông tin cảnh báo về tội phạm mua, bán người thì tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.
Đáng lên án và sẽ bị pháp luật trừng phạt một cách nghiêm khắc là những đối tượng sống bằng nghề mua, bán chính “đồng loại” của mình. Nguyễn Hữu Dương đã từng là một công dân tốt, kiếm tiền chân chính bằng sức lao động của mình nhưng rồi sự lười nhác đã khiến Dương thực hiện hành vi phạm tội. Tại Trại tạm giam Công an tỉnh Trà Vinh, Nguyễn Hữu Dương cho biết trước đó, Dương đi làm thuê tại các công trình ở Hà Tỉnh nhưng thấy làm công việc nặng nhọc lại không có thu nhập nhiều, Dương vào Thành phố Hồ Chí Minh được gần một năm, trong khi tìm công việc làm thì phát hiện trên mạng xã hội có các hội, nhóm cho và nhận con nuôi, lợi dụng việc này, Dương đóng vai người cần tìm con nuôi và thực hiện hành vi mua, bán người để hưởng lợi bất chính.
Thượng tá Lê Minh Phụng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Trà Vinh cho biết vụ án mua, bán người dưới 16 tuổi mà cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đang thụ lý là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, khung hình phạt cao nhất đối với tội này do Bộ luật hình sự quy định từ 12 năm đến 20 năm. Đây cũng là vụ án mua, bán người đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phát hiện và thụ lý điều tra. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi chuẩn bị sẵn các giấy chứng sinh giả mua trên mạng để hợp thức hóa đứa trẻ là con ruột nếu người mua có nhu cầu. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh cũng đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để mở rộng điều tra vụ án.
Theo cơ quan chức năng, mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và mua, bán vũ khí. Mua, bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Hành vi mua, bán trẻ em không chỉ xâm hại đến quyền trẻ em mà còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự.
Con người không phải là một “món hàng”, trẻ em càng không phải là một “món hàng”. Để phòng ngừa và đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm này, cơ quan chức năng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần tích cực phối hợp tố giác tội phạm khi phát hiện có những dấu hiệu nghi vấn liên quan hành vi mua, bán người, nhất là các hội, nhóm núp nóng trên không gian mạng. Các trường hợp muốn cho và nhận con nuôi cần liên hệ với chính quyền địa phương hoặc Sở Tư pháp để được hướng dẫn thủ tục cho và nhận con nuôi hợp pháp.
Về trường hợp bé gái là nạn nhân trong vụ mua, bán người dưới 16 tuổi được đề cập trong bài viết này hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh. Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã hỗ trợ sữa và 20 triệu đồng để Trung tâm chăm lo cho bé. Rồi đây, bé gái là nạn nhân trong vụ mua, bán người này sẽ đối diện với đấng sinh thành của mình ra sao. Câu trả lời ấy cũng là bài học cảnh tỉnh những ai làm cha, làm mẹ vì lý do nào đó mà muốn đem con của mình bán cho người khác.
Theo Trang Web Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh