Cần đánh giá sâu hơn vấn đề giới trong cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại tổ sáng 5/6. Ảnh HH
Phát biểu tại tổ 10 (gồm các đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Hà Giang, Thái Bình), đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở nhằm cụ thể hóa các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhà ở cho người dân, người lao động và là khắc phục những bất cập từ thực tiễn, đảm bảo sự tương thích giữa các luật hiện hành.
Về vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo luật, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu ý kiến trong báo cáo của Ủy ban Xã hội đã tham gia về thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nêu ý kiến cần phải có "đánh giá kỹ lưỡng và sâu hơn về tác động xã hội kinh tế, về vấn đề giới đối với việc thực hiện cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ ảnh hưởng như thế nào đến các cư dân đang sinh sống".
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trong thực tiễn hiện nay, các khu chung cư cũ có nhiều người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu và một bộ phận phụ nữ trẻ em, công chức, viên chức mà có mức lương thu nhập không cao. Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị "cần phải có đánh giá sâu hơn về những tác động đến đối tượng này. Qua đó, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật, chúng ta tiếp tục có những đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ kịp thời; cũng như có thể thực hiện được việc cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ hiện nay".
Toàn cảnh tổ 10 gồm các đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Hà Giang, Thái Bình
Còn về những hành vi vi phạm, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị bổ sung quy định "cấm những hành vi phân biệt đối xử về giới trong việc đầu tư, xây dựng phát triển nhà ở, trong mua, thuê nhà ở xã hội; trong xác lập quyền sở hữu nhà, nhằm đảm bảo tính đầy đủ của Luật sửa đổi.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Thị Nga cũng nêu ra một số trường hợp thực tế cán bộ nữ cấp Vụ của tổ chức chính trị - xã hội chuyển từ địa phương về Trung ương công tác nhưng không đủ điều kiện được ở nhà công vụ, phải lay lắt đi thuê nhà.
Theo đại biểu Hà Thị Nga, thực tế cho thấy, các cơ quan trong khối Mặt trận Tổ quốc rất cần cán bộ lãnh đạo cấp Vụ luân chuyển từ các địa phương về cơ quan Trung ương. Nhưng thực tế lại rất khó thực hiện bởi ở địa phương họ có gia đình, có nhà, khi ra Trung ương lại không có.
Theo đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng này được ở nhà công vụ tại Điều 47. "Đây cũng là một cái cách thu hút được cán bộ ở các địa phương về công tác tại cơ quan Trung ương"- đại biểu Hà Thị Nga nói.
Vướng mắc việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhiều đại biểu cùng chung nhận định về những vướng mắc, khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó điểm nghẽn lớn nhất là không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ; Không lựa chọn được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp người dân tự góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư; Không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư…
Các đại biểu tại Tổ
Về phương án bồi thường, tái định cư, Khoản 2 Điều 70 của dự thảo Luật quy định: "2. Trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này thì các doanh nghiệp tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn.". Tuy nhiên lại có 2 vướng mắc là "mức đồng thuận bao nhiêu là đủ?" và "các chủ sở hữu không thống nhất được phương án bồi thường".
Để tháo gỡ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị xác định trong Luật tỷ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ; đồng thời bổ sung quy định sau một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ mà không thống nhất được phương án thì việc bồi thường, tái định cư thực hiện theo phương án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các nguyên tắc bồi thường, tái định cư đã được Luật Nhà ở quy định, tương tự như quy định của dự thảo Luật đối với các dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư.
Báo PNVN