Phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc Khmer trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em và đã ban hành các Luật như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình ở một số nơi vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức, nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.
Để góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, Chi hội phụ nữ ấp Sóc Tro Giữa, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến các nội dung của các luật nêu trên đến với hội viên, phụ nữ. Đồng thời, xây dựng các hoạt động cụ thể, thiết thực để giúp đỡ, hỗ trợ cho các nạn nhân khi bị bạo lực gia đình. Để phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chi Hội đã đẩy mạnh các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình“5 không, 3 sạch”.
Qua phát động Chi hội đã thành lập được 01 Câu lạc bộ "5 không, 3 sạch" với 15 thành viên; 01 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” có 10 thành viên; 01 Câu lạc bộ “Phụ nữ với an toàn giao thông” có 20 thành viên. Nỗi bật nhất là mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc Khmer với phòng, chống bạo lực gia đình”có 20 thành viên đều là hội viên dân tộc Khmer.
Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc Khmer với phòng, chống bạo lực gia đình” tổ chức hái hoa dân chủ.
Trong thời gian qua, câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc Khmer với phòng, chống bạo lực gia đình” cũng đã tư vấn pháp luật cho 78 phụ nữ và trẻ em, tham gia hòa giải 02 vụ việc mâu thuẫn trong gia đình. Bên cạnh đó, còn lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong các buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ … được 75 cuộc có 1.874 lượt người tham dự. Qua đó các thành viên câu lạc bộ được trang bị những kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, phát huy hiệu quả trong việc thực thi các nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Câu lạc bộ hiện hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc Khmer trong việc bảo vệ hội viên tránh bị bạo lực gia đình để cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Từ hiệu quả hoạt động mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc Khmer với phòng, chống bạo lực gia đình” nói trên đã cho thấy vai trò của phụ nữ dân tộc Khmer với công tác phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức quan trọng. Các chị là những hạt nhân, những tuyên truyền viên tích cực giúp cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình ngày càng hiệu quả. Đồng thời tạo sức lan tỏa trong toàn thể cán bộ, hội viên, xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trong thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xây dựng xã Nông thôn mới.
Lê Thanh Trà
Hội LHPN xã An Quảng Hữu