Tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về giới và bình đẳng giới
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự ưu tiên đặc biệt về thực hiện bình đẳng giới. Bằng nhiều nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới thời gian qua đã mang lại nhiều thành tựu ở các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế rất cần sự chung sức tham gia của toàn xã hội để tạo sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động về giới và bình đẳng giới.
Từ sau khi Luật Bình đẳng giới ra đời và triển khai thực hiện năm 2008, qua triển khai thực hiện, đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong toàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, do vậy việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới đạt được kết quả nhất định. Phụ nữ tham gia hoạt động ngày càng nhiều trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được chú trọng nên nhiều cán bộ nữ được đề bạt vào các chức danh chủ chốt, tỷ lệ nữ được kết nạp vào Đảng hàng năm tăng; nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Vị trí, vai trò, vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, giáo dục, đặc biệt trong gia đình từng bước được nâng lên. Nhận thức về giới và bình đẳng giới trong xã hội có nhiều tiến bộ, đổi mới hơn so với trước, những đóng góp của phụ nữ được nhìn nhận và đánh giá sát thực, được coi trọng và bình đẳng hơn; vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được phát huy, bản thân phụ nữ tự vươn lên thể hiện rõ nét. Nhìn chung sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Bình đẳng giới đã từng bước đi vào cuộc sống của mọi người và chiếm vị trí quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, vẫn còn những hạn chế đặc thù cho từng lĩnh vực như:
- Trên lĩnh vực chính trị: Công tác qui hoạch cán bộ còn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến thiếu cán bộ nữ kế thừa cho nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý và cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Hội đồng Nhân dân các cấp mặc dù có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng tỷ lệ vẫn còn khiêm tốn. Nhìn chung, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp so với sự tăng lên cả về số lượng và chất lượng của lực lượng lao động nữ và so với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung. Tính đến cuối năm 2019 (theo báo cáo của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Trà Vinh) cán bộ nữ thuộc diện Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 60/339 người, chiếm tỷ lệ 17,69%. Cấp cơ sở (cấp xã và tương đương): Ban Chấp hành là 3.467 đồng chí; trong đó, cán bộ nữ 989 đồng chí, chiếm tỷ lệ 28, 52%. Cấp trên cơ sở (Cấp huyện và tương đương): Ban Chấp hành là 408 đông chí; trong đó, cán bộ nữ 52 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,74%. Cấp tỉnh: Ban Chấp hành là 51 đồng chí; trong đó, cán bộ nữ 07 đồng chí, chiếm tỷ lệ 13,72%.
- Trên lĩnh vực lao động: Mặc dù, tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động mới được giải quyết việc làm tăng lên, nhưng lao động nữ chủ yếu vẫn chiếm số đông ở những lĩnh vực không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, có thu nhập thấp và việc làm không ổn định, độ rủi ro cao. Lao động được giải quyết việc làm nếu được xem xét cả yếu tố giới sẽ thấy vẫn còn những bất bình đẳng trong cơ cấu, trong ngành nghề. Mặc dù không có sự phân biệt về giới trong chính sách tiền lương, song thu nhập thực tế giữa lao động nam và lao động nữ vẫn chênh lệch, do lao động nữ ít có điều kiện làm việc trong những ngành, nghề đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, dẫn đến thu nhập của nữ thấp hơn thu nhập của nam giới.
- Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Việc tiếp cận giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với trẻ em trai và nam giới, do phải thực hiện thiên chức làm mẹ, phụ nữ đã gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình phấn đấu, học tập vươn lên, đặc biệtđối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc học càng cao, càng có sự chênh lệch đáng kể. Nạn bạo lực học đường vẫn còn âm ĩ tiếp diễn.
- Trong gia đình: Đến nay, suy nghĩ và quan niệm bình đẳng giới còn bị ràng buộc khá nhiều bởi những khuôn mẫu định kiến về giới: Phụ nữ vẫn là người đảm nhận chính các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái; nam giới vẫn được xem là người giữ vai trò trụ cột trong gia đình. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với 109 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Tình trạng ngược đãi phụ nữ trong gia đình đây đó vẫn còn âm ĩ, tồn tại cả ở thành thị và nông thôn, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gái ngày càng tăng và diễn biến phức tạp hơn.
Với những hạn chế, bất cập còn tồn tại trên, việc tuyên truyền đẩy mạnh thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới là tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ và bảo vệ quyền của lao động nữ; để lao động nữ được đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội như: Giáo dục, y tế, văn hóa, việc làm bền vững và các chính sách phúc lợi xã hội. Thời gian qua, đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ như: Bộ Luật Lao động sửa đổi (năm 2012) đã có một số điều, khoản quy định những nguyên tắc bình đẳng giới, cấm phân biệt đối xử về giới, hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ và dành riêng Chương X với 8 điều quy định riêng đối với lao động nữ và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan bảo vệ quyền của lao động nữ. Thiết nghỉ các cấp, các ngành nên quan tâm cùng vào cuộc đẩy mạnh một số giải pháp để giải quyết như:
- Thứ nhất, việc làm và thu nhập của lao động nữ: Qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy lao động nữ gặp nhiều rào cản về việc làm, thu nhập. Tỷ lệ nữ qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật luôn thấp hơn gần 20% dẫn đến tiền lương bình quân tháng của lao động nữ cũng thấp hơn khoảng 20% so với lao động nam. Thực trạng, các ngành nghề như: May mặc, chế biến lương thực, thực phẩm,… có xu hướng sử dụng lao động giản đơn, yêu cầu tay nghề thấp, đào tạo cấp tốc. Đây là cơ hội cho lao động nữ, nhưng thực tế chỉ tuyển dụng lao động ở một độ tuổi nhất định; việc sa thải lao động sau một thời gian làm việc cũng là vấn đề đặc biệt quan tâm hiện nay. Bên cạnh đó, việc làm của lao động nữ trong các công ty, xí nghiệp chưa thật sự bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến bảo vệ quyền lao động của lao động nữ.
- Thứ hai, còn nhiều tồn tại trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Nói đến lao động nữ là nói đến các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có sử dụng nhiều lao động nữ, hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về việc làm, đời sống, áp lực của việc tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống… khiến đa số lao động nữ không còn thời gian để giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần. Mặt khác, phụ nữ ở độ tuổi trên 35 khi các công ty, xí nghiệp không còn “mặn mà” thì vấn đề thu nhập, việc làm cũng là điều trăn trở hiện nay.
- Thứ ba, những vấn đề về sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình, đời sống văn hóa tinh thần cho lao động nữ cần được quan tâm. Phần đông lao động nữ phải làm theo ca, cường độ căng thẳng, tình trạng tăng ca, tăng giờ khiến các chị em khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng. Bản thân lao động nữ đa số còn trẻ, chưa được chuẩn bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết về giới tính, tình dục, về chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi bước vào cuộc sống tự lập nên có tâm lý e ngại không dám đặt những câu hỏi, thắc mắc về vấn đề này, dẫn tới kiến thức sức khỏe sinh sản càng hạn chế. Việc thực hiện chế độ chính sách nói chung và những quy định riêng đối với lao động nữ ở nhiều nơi chưa đầy đủ theo quy định.
Từ thực trạng của những vướng mắc trên, xin đề xuất một số vấn đề sau:
- Thứ nhất cần hoàn thiện các chính sách của Nhà nước một cách mạnh mẽ, đồng bộ, thống nhất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm rút ngắn và dần xóa bỏ khoảng cách về giới. Trong đó chú trọng đặc biệt đến các chính sách giáo dục, đào tạo, lao động, xã hội.
- Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, đảm bảo sự tương đồng giữa các quy định của Luật Bình đẳng giới và các quy định của pháp luật có liên quan. Cần quy định chặt chẽ hơn về cơ chế tuyển dụng, sử dụng lao động nữ và có cơ chế xử lý phù hợp đối với những đơn vị tuyển dụng lao động có sự phân biệt giữa nam và nữ, hạn chế về quyền tham gia lao động của nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ vào điều kiện tuyển dụng.
- Thứ ba, cần quy định thời gian chăm sóc con đối với các bệnh cần thời gian điều trị lâu dài như đã quy định đối với bản thân người lao động.
- Thứ tư, cần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về giới và bình đẳng giới cho toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức đến công tác cán bộ nữ, phải có sự đổi mới từ quan điểm đến nội dung, phương thức bồi dưỡng, sử dụng bố trí cán bộ nữ, có chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn cán bộ nữ cụ thể từ xa, đảm bảo tăng số lượng và chất lượng cán bộ nữ trên các lĩnh vực hoạt động chính trị - kinh tế- văn hóa - xã hội. Động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, góp phần xây dựng gia đình ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; hướng đến người phụ nữ Việt Nam có tri thức, sức khỏe, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sơn Thị Hiệp, Phó Ban Tuyên giáo – CSLP
Hội LHPN tỉnh Trà Vinh