Cầu Ngang: Các cấp Hội Phụ nữ chung tay xây dựng huyện nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cầu Ngang, những năm qua, vai trò của phụ nữ góp phần đáng kể trong XDNTM. Mỗi cơ sở Hội đăng ký thực hiện phần việc do phụ nữ đảm nhận phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo chị Trần Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp hội viên, phụ nữ hiểu rõ ý nghĩa XDNTM, đồng thời gắn các tiêu chí với chỉ tiêu thi đua nhiệm vụ công tác Hội. Đặc biệt Hội tích cực tham gia XDNTM qua các phong trào hoạt động thiết thực hiệu quả như: duy trì và nhân rộng 76 câu lạc bộ xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; xây dựng 84 căn nhà mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ nghèo. Song song đó, mỗi cơ sở Hội đăng ký thực hiện ít nhất 01 mô hình thiết thực, phù hợp tham gia XDNTM, đô thị văn minh như: tuyến đường hoa, tuyến đường ngõ sạch, tuyến đường xanh - sạch - sáng, rào xanh ngõ sáng... Đến nay toàn huyện có 13.780/14.382 hộ hội viên phụ nữ đạt 08 tiêu chí 5 không, 3 sạch; có 18.256/18.256 hội viên phụ nữ đạt 3 sạch. Vận động phụ nữ ký cam kết và thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn; hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn “nói không với thực phẩm bẩn”, “thực phẩm không rõ nguồn gốc”, “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, sử dụng các thực phẩm tươi sống góp phần giảm thiểu tình trạng ngộ độc do thực phẩm không an toàn; vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”. Ngoài ra, hưởng ứng chương trình “mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn. Đến nay, các cấp Hội đã nhận đỡ đầu 13 trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19, với hình thức trợ cấp từ 600.000 - 2.000.000 đồng/em/tháng đến năm 18 tuổi.
Song song đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ quan tâm. Hàng năm Hội phối hợp các ngành liên quan, Trung tâm học tập cộng đồng tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp,... qua đó, duy trì 07 tổ đan họp cối, giỏ lục bình có 165 hội viên, giúp chị em tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời phối hợp giới thiệu xuất khẩu lao động nước ngoài 43 chị làm việc có thời hạn tại thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Hội tranh thủ các nguồn lực thực hiện hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, qua đó thành lập và duy trì 20 tổ hợp tác sản xuất với 198 thành viên như: tổ trồng năng, tổ đan đát, tổ may nón, tổ nuôi bò sinh sản… và 01 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp từ nghề truyền thống có 12 chị tham gia, giảm nghèo bền vững. Điển hình như gia đình bà Kiên Thị Chơn, ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang là một trong những hội viên nghèo được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ hỗ trợ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 16 triệu đồng đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi. Thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ, gia đình bà có điều kiện tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống khoảng 03 năm nay và trả bớt nợ ngân hàng khoảng 10 triệu đồng. Bà Chơn cho biết: ban đầu, sau khi nhận vốn vay, bà đầu tư trồng 02 vụ lúa - 01 vụ màu hoặc 02 vụ màu - 01 vụ lúa trên diện tích gần 0,3ha kết hợp nuôi bò sinh sản. Song song với cây lúa, hàng năm bà chia diện tích đất trồng bắp ăn và ớt chỉ thiên, lợi nhuận đạt từ 10 - 12 triệu đồng/0,1ha/vụ. Mặc dù gia bò hiện nay giảm mạnh nhưng gia đình bà vẫn duy trì khoảng 06 con bò sinh sản, những lúc khó khăn có thể xuất bán trang trải sinh hoạt và tái đầu tư vụ mùa mới.
Bà Lâm Thị Hồng Cẩm, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang tập trung chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng thâm canh cây ớt chỉ thiên, dưa hấu 03 vụ/năm, lợi nhuận đạt từ 10 - 15 triệu đồng/0,1ha/vụ tùy theo giá thị trường. Theo bà Cẩm, trồng màu tuy giá bán bấp bênh, phụ thuộc giá thị trường, cực công chăm sóc, nhưng luôn mang lại lợi nhuận. Với 0,2ha ớt chỉ thiên năm nay hiện cho thu hoạch, giá bán từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 15 triệu đồng/0,1ha/vụ. Khi kết thúc vụ ớt, bà tiếp tục trồng 01 vụ dưa hấu, nếu được mùa được giá, lợi nhuận đạt từ 08 - 10 triệu đồng/0,1ha. Với bà Cẩm, phần lớn kinh tế của người dân trong ấp trồng trọt và chăn nuôi, vừa tăng thu nhập và vừa tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch phục vụ chăn nuôi nhằm giảm chi phí sản xuất. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi 04 con bò sinh sản, thời gian rãnh bà đi thu hoạch ớt thuê, thu nhập 200.000 đồng/ngày.
Chị Trần Thị Thu Thảo cho biết thêm: để góp phần cùng địa phương giữ vững các tiêu chí huyện nông thôn mới, thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tuyên truyền thực hiện cuộc vận động gia đình 5 không 3 sạch. Duy trì và xây dựng các tuyến đường hoa, thu gom và xử lý rác thải, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; đặc biệt vận động hội viên, phụ nữ xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, đảm bảo môi trường nuôi. Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực tạo điều kiện cho các cấp Hội hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng/chị, giúp các chị có điều kiện trồng trọt và chăn nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình.
Bà Kiên Thị Chơn bón phân chăm sóc bắp trồng.
Bà Lâm Thị Hồng Cẩm (trái) thu hoạch ớt.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN