TẤM LÒNG CỦA NHÂN DÂN TRÀ VINH ĐỐI VỚI BÁC HỒ KÍNH YÊU
Trà Vinh là một trong những tỉnh của miền Nam xây dựng Đền thờ Bác Hồ ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược và bè lũ tây sai bán nước đang diễn ra ác liệt, có thể nói đây là một kỳ tích, thể hiện tấm lòng của Nhân dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc, đồng thời thể hiện ý chí cách mạng kiên cường, sự vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộcđấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân Trà Vinh.
Tháng 9/1969 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, lúc này ở miền Nam nói chung, Trà Vinh nói riêng cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược đang diễn ra vô cùng ác liệt. Máy bay của quân Mỹ- ngụy ngày đêm dùng loa phóng thanh cỡ lớn ra rả báo tin này hòng làm lung lay ý chí của quân dân miền Nam, quân dân Trà Vinh.
Tuy nhiên, việc làm của kẻ thù đã có tác dụng ngược, nó làm cho người dân miền Nam nói chung, người dân Trà Vinh nói riêng biến đau thương thành hành động cách mạng. Nhân dân xã Long Đức, vùng đất thép của thị xã Trà Vinh, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vào thời điểm này, Long Đức là vùng giải phóng, được bao bọc bởi 3 con sông Cổ Chiên, Long Bình và Ba Trường, nhưng chỉ cách trung tâm đầu não tỉnh Vĩnh Bình của Ngụy quyền (tức tỉnh Trà Vinh theo cách gọi của Ngụy quyền) 4 km và cách trung tâm hành quân hỗn hợp của Mỹ 1,5 km. Trung tâm này có rất nhiều thứ quân của địch, như: Sư đoàn 9 Bộ binh ngụy; Hạm đội Giang đỉnh hải quân Mỹ; Đại đội Biệt kích Mỹ; Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ; Tuần giang hạm Vùng 4 chiến thuật; Tiểu đoàn địa phương quân; Tiểu đoàn cảnh sát dã chiến. Các lực lượng quân sự này còn được yểm trợ của hỏa lực, không quân. Khi nghe tin Bác mất, đồng bòa người Kinh, người Khmer, người Hoa ở vùng đất Trà Vinh đã để tang vị Cha già của mình trong sự nghẹn ngào, mất mát. Cùng với cả nước, Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã Trà Vinh tổ chức lễ truy điệu Bác vào tối ngày 10/9/1969. Các cơ quan, đơn vị và từng gia đình cũng lập bàn thờ Bác. Song, để có nơi thờ phụng Bác đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo bà con, nhất là những người ngày đêm ở chiến hào, đồng thời cũng là lời tuyên cáo với kẻ thù, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã quyết định xây dựng Đền thờ Bác ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức và khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1970. Vĩnh Hội ngày ấy là ấp tranh chấp giữa ta và địch chỉ cách trung tâm đầu não của ngụy quyền tỉnh Vĩnh Bình (tỉnh Trà Vinh ngày nay) 4km và cách căn cứ quân sự hiện đại, kiên cố của Mỹ có cả hệ thống sân bay với đủ loại máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát... khoảng 1,5km. Nhưng đây lại là nơi cao ráo nhất và là ấp có nhiều cơ sở cách mạng nên đền thờ được xây dựng ở đây thì ngọn lửa cách mạng càng bốc cao, lòng dân được mãn nguyện càng tin tưởng vào cách mạng vì đã “có” Bác bên cạnh.
Tin xây dựng Đền thờ Bác Hồ truyền đi nhanh chóng, Nhân dân quanh vùng đủ các thành phần: già, trẻ, lương, giáo đã tự nguyện đóng góp tiền của và công sức, bất chấp hiểm nguy đến tính mạng chờ đêm đến là bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm tất cả cho ngôi đền hoàn thành sớm nhất. Bọn địch biết tin Nhân dân Trà Vinh đang xây dựng Đền thờ Bác Hồ, chúng điên cuồng bắn phá ác liệt nên toàn bộ công việc xây dựng Đền đều phải thực hiện vào ban đêm để tránh phi cơ, phi pháo của địch. Lực lượng du kích phải đắp công sự, đào chiến hào, cắm hàng vạn cây chông sẵn sàng đối phó khi địch đánh vào. Các má, các chị trong lực lượng đấu tranh chính trị được phân công bằng nhiều hình thức vận động binh lính trong các đồn không bắn phá để bà con xây dựng đền thờ Cụ Hồ.
Phải mất 11 tháng xây dựng, Đền được khánh thành vào ngày 26/1/1971, tức ngày 30 tháng Chạp Tết Nguyên đán Tân Hợi . Ngôi đền xây trên diện tích 16 m2, mái lợp lá, khung sườn bằng gỗ, nền xi măng. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm tung bay trên nóc ngôi Đền. Họa sĩ Phong Ba được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trà Vinh giao nhiệm vụ vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu sơn dầu, có kích thước 0,78 x 1,00 m, dựa trên bức ảnh trắng đen do một cán bộ tập kết mang về. Sau khi khánh thành, từ ngày 26/10/1971 đến ngày 04/02/1971 hơn 10.000 lượt người dân các nơi đến Đền thắp hương viếng Bác.
Đền thờ Bác là niềm tự hào của nhân dân Trà Vinh và Tết Nguyên đán năm 1971 là cái tết đầy ý nghĩa của quân dân nơi đây. Chỉ đến ngày mùng bảy Tết đã có hơn 10.000 lượt đồng bào từ các vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vùng bình định của giặc đã đến Đền viếng Bác.
Khí thế cách mạng càng dâng cao khi Đền thờ Bác được dựng lên. Địch lo lắng tìm cách đối phó, chúng mở nhiều đợt càn quyét, đánh phá nhưng luôn bị sức mạnh quần chúng và lực lượng du kích chống trả quyết liệt. Ngày 10-3-1971 địch mở đợt càn lớn với một tiểu đoàn chủ lực và nhiều cảnh sát dã chiến có sự yểm trợ của pháo binh, phi cơ, tàu chiến. Trước sự chống trả quyết liệt của lực lượng bảo vệ Đền, nhiều tên địch phải đền tội. Nhưng do quá chênh lệch về lực lượng và khí tài nên đến 3 giờ chiều cùng ngày, địch đã tiếp cận được ngôi đền và cho một toán lính vào đốt Đền.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh
Biết tin Đền thờ Bác Hồ bị đốt, nhân dân ta rất căm phẫn và tiếp tục đóng góp công sức và của cải, bất chấp hiểm nguy chờ đêm đến là tập trung xây dựng lại đền. Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến ngày 29 Tết năm1972, Đền thờ Bác xây dựng lần thứ hai được hoàn thành trong niềm hân hoan của quân dân Trà Vinh.
Trong gần 5 năm xây dựng và bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và Nhân dân Long Đức, thị xã Trà Vinh đã phối hợp nhuần nhuyễn ba mũi giáp công, bẻ gãy hàng chục trận càn quét, hàng trăm trận đánh phá bằng máy bay, pháo binh, tàu chiến của địch, loại ra khỏi vòng chiến đấu hơn 300 tên địch. Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ và quần chúng đã anh dũng hy sinh cho sự tồn tại của ngôi Đền, trong đó có nhiều gương hy sinh anh dũng như Nguyễn Văn Lượm, Nguyễn Văn Trị. Đội nữ du kích Long Đức, dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Thị Nhờ đã dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công trong quá trình bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Từ năm 1989, khi Đền thờ được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo và xây Đền thành khu di tích, trên khuôn viên rộng 5,4 ha với các hạng mục chính như: Đền thờ Bác Hồ; Nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khuôn viên cây xanh; Ao cá; Khu vui chơi cắm trại. Năm 2012, theo quy hoạch của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước, phiên bản Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản Nhà sàn Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội đã được dựng lên trong khuôn viên Đền thờ.Cuối năm 2018, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai dự án đầu tư các công trình tại Khu di tích gồm: Mở rộng khu trưng bày, san lấp mặt bằng sân vườn, hàng rào, cải tạo ao sen, tu bổ tôn tạo cổng chính, cổng phụ, sân đường nội bộ,hệ thống chiếu sáng, nhà đón tiếp…nhằm tạo sự đồng bộ về cảnh quan kiến trúc, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, giáo dục truyền thống.Mỗi năm, bình quân có hơn 50.000 lượt du khác trong và ngoài nước đến viếng Bác và tham quan khu di tích. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức viếng và tưởng niệm Bác nhân Tết Nguyên đán, Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 03/02; Ngày Giải phòng miền Nam thống nhất đất nước 30/4; kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khành 02/9… Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các tỉnh, thành phố khi đến làm việc với tỉnh Trà Vinh đều đến dâng hương tại Đền thờ Bác.
Khi đến viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 22/11/1981), đồng chí Đỗ Mười - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết: “Đến thăm Đền thờ Bác, tôi vô cùng cảm xúc; càng nhớ Bác càng khâm phục tinh thần anh hùng vô song của Nhân dân xã Long Đức, nêu một gương sáng cho mọi người học tập. Chúnh ta nguyện cùng các đồng chí phát huy mãi mãi tinh thần cao quý này để ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; Đại tướng Võ Nguyên giáp viết: “Đền thờ Bác Hồ biểu tượng bất diệt tấm lòng sắt son của Nhân dân Nam Bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh” (ngày 11/3/1991); đồng chí Nông Đức Mạnh - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hnàh Trung ương Đảng viết: “Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, thị xã Trà Vinh là di tích lịch sử văn hóa, mang dấu ấn sâu sắc của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong khói lửa chiến tranh giải phóng, đồng bào, chiến sĩ Long Đức, đồng bào Trà Vinh và đồng bào Nam Bộ luôn luôn giữ trọn niềm tin son sắt với Đảng, với Bác Hồ kính yêu, niềm tin vào ngày toàn thắng, thống nhất đất nước,..” (ngày 17/12/2008); đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng viết: “Tôi rất xúc động đến tham Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một địa danh lịch sử có nhiều ý nghĩa sâu sắc này. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Bác. Xin nguyện mãi mãi học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Bác. Nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác vạch ra. Xin bày tỏ lòng khâm phục và cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trà Vinh đã có công xây dựng, bảo tồn và phát huy công trình lịch sử, văn hóa có giá trị lớn lao này” (ngày 17/12/2008); đồng chí Trần Đức Lương - Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viết: “Đền thờ Bác Hồ của Nhân dân Trà Vinh có ý nghĩa thiêng liêng, bày tỏ được tâm nguyện của đồng bào các dân tộc Trà Vinh và Nhân dân cả nước đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu” (ngày 18/6/2002),…Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã khái quát ngôi đền là “Công trình của Trái tim”.
Hàng năm, nhân dịp Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, đồng thời là ngày giỗ Bác, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Bác, gắn với biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang tỉnh và một sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành phố cũng tổ chức tưởng niệm và báo công dâng Bác nhân dịp 19/5 - kỷ niệm ngày sinh của Bác, hoặc kỷ niệm ngày truyền thống của ngành.
Một điều đáng trân trọng là ngoài việc các cơ quan, đơn vị tổ chức giỗ Bác hàng năm tại Đền thờ (ấp Vĩnh Yêu, xã Long Đức), nhiều gia đình cán bộ, Nhân dân Trà Vinh đã tổ chức giỗ Bác Hồ tại gia đình mình như gia đình anh Lê Hữu Đức (ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức), gia đình bà Lê Thị Tiếm (cán bộ hưu ở xã Long Đức), gia đình ông Cao Văn Đằng (khóm 9, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long)…trong ngày giỗ không chỉ có người thân trong gia đình mà còn mời bà con xóm giềng xung quanh, mọi người kể những câu chuyện xúc động về Bác, bàn chuyện xây dựng xóm làng, thăm hỏi lẫn nhau…Đây là dịp người dân tưởng nhớ công lao trời biển của Bác đối voiứ dân tộc, đối với đất nước, qua đó, hứa quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Năm nay, việc tổ chức kỷ niệm 76 cách mạng Tháng Tám và quốc khánh 02/9, đồng thời cũng là ngày giỗ thứ 52 của Bác mất trong một điều kiện đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đang cùng cả nước quyết liệt phòng chống đại dịch Covid - 19 với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó có việc thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc: “gia đình giãn cách với gia đình; ấp, khóm giãn cách với ấp, khóm; xã giãn cách xã; huyện giãn cách huyện”. Vì vậy, việc tổ chức họp mặt đông người để dâng hương, tưởng niệm Bác tại Đền thờ Bác ở Long Đức có thể sẽ không tổ chức được. Tuy nhiên, không gì thế mà tấm lòng của người dân Trà Vinh đối với Bác phai nhạt, chúng ta hãy tưởng nhớ đến Bác bằng những việc làm thiết thực là cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19 theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sớm đưa tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch. Đồng thời, tích cực trỉển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnhhọc tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”., đó chính là tấm lòng của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Trà Vinh đối với Bác Hồ kính yêu.
Trần Bình Trọng
(Bài viết dựa trên tư liệu của quyển sách Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh do sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh ấn hành năm 2012)