GƯƠNG ANH HÙNG, LIỆT SĨ THẠCH THỊ PHINH
Cô Thạch Thị Phinh sinh năm 1932, dân tộc Khmer, quê quán tại ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, chất phát, lam lũ quanh năm trên mãnh đất quê nhà. Sống trong vùng kìm kẹp, dưới chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cô chứng kiến bao cảnh chúng tàn sát hung bạo, dã man. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng chị rất giàu lòng yêu nước, chị sớm giác ngộ và đầy nhiệt quyết cách mạng, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, chị sẳn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ cách mạng.
Năm 1954, sau Hiệp định Genève địch ra sức đàn áp, bắt bớ những người cộng sản, cô đào hầm bí mật trong nhà để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Đến năm 1962, Mỹ - ngụy lập ấp chiến lược tại ấp Thốt Nốt, chúng xây dựng bộ máy kìm kẹp người dân trong vùng với những tên tề ấp ác ôn, hòng để tách dân ra khỏi Đảng. Lúc bấy giờ, nhà cô Phinh nuôi chứa đồng chí Lâm Nhung là Huyện ủy viên, Bí thư xã Ngũ Lạc và đồng chí Thạch Sanl là Thường vụ Xã ủy, cùng các đồng chí là cán bộ huyện, tỉnh. Vào một ngày tháng 8/1962, điệp chỉ điểm một trung đội dân vệ xã dưới sự chỉ huy của tên xã trưởng đến bao vây nhà cô Phinh và một số nhà lân cận, chúng xét nhà cô Thạch Thị Sân (cách nhà cô Phinh khoảng 150m), cô Sân mở cửa, đồng chí Sanl bị phát hiện đã dùng dao mác đâm tên tề Lợi chết sau đó chạy ra ngoài và bị địch bắn bị thương. Đồng chí Sanl chạy tới nhà cô Thạch Thị Phinh được cô đưa vào hầm bí mật trong nhà. Lúc này, đồng chí Lâm Nhung đang ở đây, 2 người vào hầm bí mật vách đôi an toàn. Cô Phinh bình tỉnh xóa sạch vết máu nên địch không phát hiện được, chúng tăng cường quân, chờ trời sáng tiếp tục truy lùng nhưng không tìm thấy. Địch nghi ngờ và bắt cô Phinh, chúng dùng dây dù trói cô vào gốc cây quách trước cửa nhà, dùng bán súng đánh đập cô vô cùng dã man, chúng treo ngược cô lên cây và tiếp tục đánh, nhưng cô nhất quyết không khai báo và chửi mắng bọn chúng, địch dùng mọi cực hình để tra tấn cô rất tàn nhẩn, sau đó chúng cắt cổ, đốt nhà và quăng xác cô vào lửa.
Ở cái tuổi 30 còn rất trẻ, cô Thạch Thị Phinh đã chấp nhận hy sinh để bảo toàn lực lượng cách mạng. Sự hy sinh anh dũng của cô đã trở thành tấm gương bất tử, tiêu biểu, dũng cảm, sáng ngời như viên ngọc quí trong lòng người dân tại huyện Duyên Hải và nhiều huyện lân cận. Mỗi khi nhắc đến cô Thạch Thị Phinh không ai tránh khỏi bùi ngùi xúc động trước cái chết đầy khí phách, gan dạ, hiên ngang của người con gái dân tộc Khmer trên mãnh đất Trà Vinh này. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cô Thạch Thị Phinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quí: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.
(Nguyễn Thị Mười – Ghi theo tư liệu viết sử phụ nữ Trà Vinh)