NGÔ THỊ SANG - NỮ CÁN BỘ, CHIẾN SỸ SẮT THÉP
Cô Ngô Thị Sang (tên thường gọi là Chín Sang, bí danh là Hai Nhung), sinh ngày 10/4/1930 tại ấp Long Điền, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, sớm giác ngộ cách mạng, cô tham gia hoạt động đội, đoàn tại địa phương. Năm 1956, cô được đồng chí Nguyễn Văn Cẩn - Bí thư huyện ủy Duyên Hải giới thiệu và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, năm 1960 cô được điều động về công tác tại huyện Trà Cú chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị, thực hiện công tác binh vận đạt hiệu quả. Khi địch đẩy mạnh càn quét, cướp phá, cô Hai Nhung trở thành chiến sĩ chiến đấu kiên cường, một cán bộ quân sự xuất sắc, được giao nhiệm vụ Xã đội trưởng.
Cuối năm 1964, cô được đề bạt làm Huyện Đội phó huyện Trà Cú trực tiếp xây dựng trung đội nữ địa phương quân và chỉ huy tác chiến, cô đánh giặc kiên cường, quả cảm, càng đánh càng hăng say. Có nhiều trận cô đang mang bầu nhưng vẫn tích cực chiến đấu, lội sông, nhảy rào, chạy bộ, chém vè… né súng, đạn pháo của địch, dũng cảm tiến về phía trước, cô sử dụng nhiều chiến thuật để đánh địch, lúc đánh chặn đầu, lúc đánh vét đuôi địch, lúc ẩn, lúc hiện làm cho địch không sao đoán biết được, làm cho bọn chúng nhiều phen khiếp sợ. Một lần, sau khi ta đánh vào công sở xã An Quảng Hữu, địch phản kích có tàu chiến, xe M113, máy bay,… kết hợp càn quét, lúc này cô đang mang thai gần 06 tháng lãnh đạo Trung đội nữ địa phương quân vận động nhân dân tham gia đánh địch. Lúc địch dùng ghe rút quân, chúng chủ quan cho rằng lực lượng vũ trang của ta đã bị đánh dạt đi hết, khi đó cô cùng một trinh sát dùng tiểu liên diệt hàng chục tên làm cho địch hoang mang, hoảng loạn. Một lần khác, cô cũng đang mang bầu, vận động suốt ngày mệt quá buộc cô cùng một đồng chí trinh sát “chém vè” ở ấp Giồng Lớn, xã Đại An, địch càn qua tung tin: “đã bắn chết bà Hai Bầu, còn cắt đầu, mổ bụng thai nhi là bé trai”. Bà con nghe tin tưởng thật thương tiếc cô, nhiều người khóc, khi tốp lính cuối cùng đi qua, cô và người trinh sát nổ súng diệt một số tên. Nghe những loạt súng của cô, bà con thở phào vì biết chắc chắn cô đang đánh địch. Địch càn ra xã Phước Hưng, cô cùng chị em trung đội nữ địa phương chống càn, sau đó rút xuống hầm bí mật, chiều địch rút về, cô cùng chị em tiến công diệt được nhiều tên. Đến thời kỳ gian khó, hàng đêm phải vào “ấp tân sinh” để tải lương thực, thực phẩm, đêm đó cô bị địch phục kích nhưng đã nhanh trí thoát khỏi vòng vây, ra tới vùng giải phóng thì bị dính phải chông. Sáng hôm sau địch càn vào vùng giải phóng, cô ngồi nấp dưới hầm bí mật trong khi bàn chân vẫn còn mang mũi chông, cô đã cắn răng chịu đau, dùng dao găm lấy mũi chông ra, giặc đi, cô được anh em đưa đến trạm y tế điều trị. Trong đấu tranh chính trị, cô Hai Nhung luôn có lý lẽ sắc bén, mưu trí, linh hoạt, khi cần đẩy mạnh lên thành cao trào, tận dụng mọi thời cơ để làm binh vận.
Từ cuối năm 1964 đến năm 1970, cô được điều động về làm Hội phó Hội Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, bước vào thời kỳ hoạt động Hội khó khăn, quyết liệt nhất, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu thân 1968, tại đây cô đã đóng góp cho nhiều phong trào hoạt động của Hội, đặc biệt là trong phong trào đấu tranh chính trị, binh vận. Từ năm 1971 đến năm 1975 cô được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Ban Phụ vận tỉnh ủy Trà Vinh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, tháng 5/1975 cô được điều động làm Phó Giám đốc sở Thương binh xã hội khu Tây Nam Bộ. Đầu tháng 12/1975 cô được cấp trên tiếp tục điều về làm Phó Ty Thương binh xã hội tỉnh Cửu Long, đến năm 1978 thì cô được hưởng chính sách nghỉ hưu. Hiện nay cô đang sinh hoạt tại chi bộ khóm 7, phường 7, thành phố Trà Vinh, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng cô không bỏ một kỳ sinh hoạt chi bộ nào. Quá trình công tác cô được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 30, 40, 50, 60 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu, huy hiệu cao quý khác…
(Nguyễn Thị Mười – Ghi theo tư liệu viết sử phụ nữ Trà Vinh và lời kể của nhân vật)