NGƯỜI CON GÁI ANH HÙNG TRÊN VÙNG ĐẤT THÉP
Không biết từ bao giờ nơi đây được mệnh danh là Trường Long Hòa sắt thép, đã sản sinh ra người con gái anh hùng, gắn liền với cái tên như vùng đất chị được sinh ra, đó là chị Huỳnh Thị Cẩm. Chị Cẩm sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê quán ở ấp Cồn Ông, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh. Sống trong vùng kiềm kẹp của bọn Mỹ ngụy, chị đã từng chứng kiến biết bao cảnh chết chóc, tan thương, chúng ra tay sát hại dân lành không thương tiếc, hồng huy hiếp dồn dân, lập ấp chiến lược để chúng dễ cai trị, thực hiện mưu đồ xâm chiếm nước ta.
Trước cảnh nước mất, nhà tan, 15 tuổi chị cùng mẹ vá quần áo cho bộ đội, tham gia tải thương, tiếp tế cho chiến trường, ngoài đôi mươi chị xây dựng gia đình với anh Phạm Văn Mân - Xã Đội phó xã Trường Long Hòa. Lập gia đình rồi chị như được tiếp thêm sức mạnh, cả hai cùng chí hướng, anh chị thi đua lập công giết giặc cứu nước. Nhưng chiến tranh không ai biết trước được điều gì. Đầu năm 1961, trong lúc chị Cẩm hạ sinh đứa con trai đầu lòng, cũng là lúc chị nhận được hung tin anh Mân hy sinh. Lòng căm thù giặc càng thêm nung nấu, gát qua sự đau thương, không chút do dự, chị nguyện với lòng quyết tâm trả thù bằng được cho chồng. Tháng 6/1961, bọn địch bắn pháo vào các ấp giải phóng làm chết và bị thương nhiều đồng bào, Chi ủy xã Trường Long Hòa quyết định mở một cuộc đấu tranh trực diện với quy mô lớn để tố cáo tội ác địch, góp phần vào phong trào đấu tranh của quần chúng đang bao vây, tấn công, bức rút cụm tề xã và đồn bót trên địa bàn huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải), cuộc đấu tranh được đông đảo chị em phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng. Ngày cúng cơm 100 ngày của chồng, chị thắp nén nhang tưởng niệm chồng và xin phép cha mẹ chồng quyết đi đấu tranh để trả thù cho chồng, cho nhân dân, chị Cẩm bồng đứa con 06 tháng tuổi hòa vào dòng người tiến vào tề xã Ba Động. Bọn ác ôn ra ngăn chặn mũi xung kích, chúng dùng cây, báng súng chống trả với đoàn biểu tình. Mặc cho địch đàn áp, chị vẫn hiên ngang bồng con, cùng lực lượng tiến lên phía trước, miệng hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo ác ôn! Ngưng ngay hành động bắn pháo giết hại dân lành!”. Toán lính lăm le tay súng, lưỡi lê tuốt trần, ra ngăn chặn bắn chỉ thiên đe dọa, lực lượng của ta cứ tiến, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Chúng bắn vào người dẫn đầu, chị Huỳnh Thị Cẩm bị thương nhưng chị quấn chiếc khăn rằn lên vết thương, tay vẩn bồng con, chân vẩn bước tới, miệng vẫn hô ho: “Đả đảo bọn giết người! Đả đảo ác ôn!”. Tốp lính khác tiến tới chặn lại, chị nói: Chị em tôi đấu tranh để được yên ổn làm ăn, không bị bắn phá, vậy mà bọn ác ôn bắn chúng tôi. Chị mở khăn rằn, máu trào ra: “Các anh xem đây!”, tốp lính khựng lại, cảm động, không đàn áp. Chị Cẩm lảo đảo bước tới, lúc kiệt sức chị trao đứa con duy nhất là cháu Tiến Dũng cho chị kế bên miệng dặn dò: “Tay cháu cũng bị gãy, hãy băng bó cho cháu. Kẻ thù rất dã man, chị em hảy đoàn kết và dũng cảm đấu tranh để trả thù cho tôi, cho đồng bào mình” rồi chị trút hơi thở cuối cùng. Lễ an táng chị Huỳnh Thị Cẩm được Đảng bộ xã Trường Long Hòa tổ chức chu đáo, nghiêm trang và long trọng. Cờ mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được phủ lên quan tài của người phụ nữ kiên trung này, ngay trong lễ tang Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định kết nạp chị Huỳnh Thị Cẩm vào Đảng cộng sản Việt Nam. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, chị Huỳnh Thị Cẩm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Cẩm đã trở thành tấm gương người con bất tử trên quê hương đất thép xã Trường Long Hòa.
Nguyễn Thị Mười – Hội LHPN tỉnh Trà Vinh