Thoát nghèo từ mô hình nuôi Thỏ
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm làm tăng thêm nguồn thu cho kinh tế gia đình, trong những năm qua nhiều hộ nông dân ở tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình sản xuất ở gia đình đã góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo ở địa phương như các mô hình chăn nuôi bò, heo, dê … lúc đầu phát triển theo qui mô nông hộ dần dần tiến lên kinh tế trang trại. Đặc biệt có một mô hình chăn nuôi không xa lạ gì với người nông dân nhưng đã đem lại hiệu quả cho kinh tế gia đình. Một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả nhất đó là mô hình chăn nuôi thỏ của hộ Bà Nguyễn Thị Lệ ở ấp Định Hòa, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần.
Mô hình nuôi thỏ của hộ bà Nguyễn Thị Lệ
Bà Nguyễn Thị Lệ ở ấp Định Hòa, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần là hội viên phụ nữ của ấp được Hội Phụ nữ xã giới thiệu thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư cho bà 10 triệu đồng, gia đình đã tận dụng chuồng nuôi heo củ làm chuồng trại chăn nuôi thỏ. Hiện nay, trong chuồng nuôi của gia đình có hơn 200 con thỏ, trong đó có 20 con sinh sản. Chủ yếu là giống thỏ gốc Hà Lan, để nhận biết giống thỏ thì phân biệt bằng màu lông. Gia đình đã đầu tư hệ thống uống nước tự động. Đây là những giống thỏ có trọng lượng cao gấp 2 lần so với giống thỏ địa phương. Bình quân nuôi 3 tháng đến 3,5 tháng đạt trọng lượng từ 2,2kg/con đến 2,5kg/con. Mỗi tháng trại nuôi thỏ của gia đình cung cấp cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh khoảng 60 con thỏ thịt, với giá dao động từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình thu vào từ 6,6 triệu đồng đến 7,2 triệu đồng, chưa kể các nguồn thu từ bán thỏ giống. Ngoài ra, gia đình Bà đã dành hơn 1.000m2 đất trồng rau lang, rau muống, rau xanh… để đảm bảo nguồn thức ăn, có đầy đủ chất dinh dưởng cung cấp cho thỏ.
Theo kinh nghiệm nuôi của Bà thì thỏ rất dễ nuôi, có thể tận dụng được nguồn phụ phế phẩm tại chổ làm thức ăn, để nuôi đạt hiệu quả cao, Bà đã thiết kế xây dựng chuồng trại cho thông thoáng có ánh sáng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại không gây ô nhiểm môi trường từ chất thải của thỏ, thì đàn thỏ nuôi mới phát triển tốt được.
Đây là một mô hình nuôi có quy trình khép kín đã phát huy hiệu quả, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm ở nông thôn./.
NGUYỄN TÂN