Dịch vụ ăn uống, giải khát gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trà Vinh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 09 và Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND tỉnh, tình hình hoạt động kinh doanh trên địa bàn tạm ngừng. Một số quán ăn, nước giải khát chuyển sang hình thức kinh doanh bán mang về nhưng số lượng không nhiều.
Qua ghi nhận của chúng tôi ở một số chợ dân sinh, phần đông là các quán nước giải khát đều đóng cửa ngừng hoạt động, chỉ có một số quán kinh doanh thức ăn sáng còn hoạt động quanh khu vực chợ, tuy nhiên vẫn kinh doanh bằng hình thức bán mang về. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Mỹ Ngọc, ấp Đa Cần, xã Hoà Thuận, huyện Châu Thành chủ quán kinh doanh thức ăn sáng các loại cho biết: từ khi thực hiện giãn xã hội, việc kinh doanh tuy giảm nhưng quán ăn vẫn hoạt động bình thường. Do kinh doanh nhiều năm, với lại gần khu vực chợ xã nên quán ăn vẫn duy trì được lượng khách hàng ổn định bằng hình thức bán thức ăn sáng mang về. Bên cạnh đó, giá bán bình dân từ 10.000 - 25.000 đồng/tô hủ tiếu, bún. Khung giờ hoạt động của quán bắt đầu từ 07 - 17 giờ nên hàng ngày bà bán khoảng từ 05 - 10kg hủ tiếu, bún và vài chục ổ bánh mì, lợi nhuận từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, giảm 30% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Bà Ngô Thị Thùy Oanh, chủ quán bún xào, bún bò ở chợ Vinh Kim, huyện Cầu Ngang cho biết: từ lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đến chỗ đông người, người dân đến chợ mua sắm tranh thủ dời đi, nên việc mua bán giảm đáng kể. Mặc dù dịch bệnh phức tạp, nhưng bà tranh thủ bày bán hàng ngày tại chợ duy trì nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống trong mùa dịch bệnh này. Bởi nguồn thu nhập của gia đình bà chủ yếu dựa vào những món bún xào, bún bò từ nhiều năm qua. Do đó bà vẫn duy trì bán thức ăn sáng tại chợ Vinh Kim bằng hình thức bán mang về, bình quân khoảng 50 hộp bún/buổi chợ, lợi nhuận thu về 30.000 - 50.000 đồng/ngày.
Tuy tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng các quán kinh doanh thức ăn sáng có phần thuận lợi hơn so với các quán nước giải khát, sức bán giảm tuy giảm nhưng một số hộ kinh doanh vẫn duy trì bằng hình thức bán mang về để duy trì nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Theo khảo sát của chúng tôi, các quán nước giải khát hầu như đóng cửa ngừng hoạt động, một phần người mua người bán ngại tiếp xúc, phần khác đang trong thời gian thực hiện giãn cách. Chia sẻ với chúng tôi, bà Kim Thị Quân, ấp Qui Nông A, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành bộc bạch: gia đình bà có 04 nhân khẩu, chồng làm phụ hồ, còn bà ở nhà bày bán nước mía, cà phê, trà đường tại chợ Hòa Lợi, nhưng từ khi thực hiện giãn cách xã hội, địa phương khuyến cáo ngừng kinh doanh hoạt động để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vì lẽ đó, để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và phòng chống dịch bệnh nên bà đóng cửa nghỉ bán cho đến nay, chồng bà cũng nghỉ làm phụ hồ do chủ thầu xây dựng yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội. Do không có nguồn thu nhập ổn định như trước nên cuộc sống gia đình gần 01 tháng thực hiện giãn cách có chật vật hơn. Nhiều lần bà có suy nghĩ bán bằng hình thức mang về để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống nhưng nghĩ lại gia đình còn có con nhỏ và tiếp xúc nhiều người nên chịu khó chi tiêu tiết kiệm để qua mùa dịch chí thú làm ăn để cải thiện cuộc sống gia đình.
Quán cá phê của bà Lê Thị Bích Loan ở ấp Chăng Mật, xã Hòa Lợi đã đóng cửa hơn 01 tháng nay. Mặc dù bà duy trì hoạt động bán bằng hình thức mang về nhưng do thời gian thực hiện giãn cách xã hội bà không mua được nguyên liệu nên quán đóng cửa ngừng kinh doanh. Bà Loan cho biết: ngoài kinh doanh cà phê, bà còn nấu trà sữa bán thêm, nhưng một số nguyên liệu trà sữa mua trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội bà không mua được, bởi các chốt kiểm tra không cho bà rời địa phương vào trung tâm thành phố Trà Vinh để mua nguyên liệu. Vì lẽ đó, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cuộc sống tuy có phần chật vật nhưng đành chịu.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây sức ép nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Một số hộ kinh doanh đã chùng bước ngừng hoạt động để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, tuy nhiên ở khu vực khác vẫn còn các hộ kinh doanh vẫn cố gắng vượt khó lao động sản xuất bằng các hình thức để cải thiện cuộc sống gia đình. Trong quá trình kinh doanh, các hộ thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K và giãn cách theo chỉ thị của tỉnh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN