HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH TỔ HỢP TÁC ĐAN ĐÁT ẤP GIỒNG ĐÌNH, XÃ ĐẠI AN
Làng nghề đan đát ấp Giồng Đình được hình thành từ rất lâu năm, ban đầu với quy mô sản xuất gia đình, giá thành rẻ, không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Để giúp cho hội viên phụ nữ sống bằng nghề của mình, ban đầu chi hội phụ nữ cùng với Hội cấp trên nghiên cứu kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đầu tư vốn vay để mua nguyên vật liệu và chỉ đạo thành lập Tổ hợp tác đan đát hàng thủ công mỹ nghệ ấp Giồng Đình, với 30 thành viên tham gia. Với nguyên liệu sẳn có tại địa phương, cộng với sự cần cù, đôi tay khéo léo của chị em, sự nhiệt tình của tổ trưởng đã tìm tòi, sáng tạo ra các phẩm mới, tham gia cùng địa phương giới thiệu sản phẩm, kết nối với thị trường bên ngoài, tham dự nhiều hội chợ giới thiệu và trưng bày sản phẩm trong, ngoài tỉnh.
Bộ đồ dùng trang trí gian hàng trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp của tổ hợp tác đan đát ấp Giồng Đình
Trong những năm gần đây, sản phẩm bắt đầu có sức hút và được khách du lịch gần xa đón nhận, đến nay tổ hợp tác đan đát đã có 89 thành viên tham gia, đến làng nghề đan đát Giồng Đình hiện nay, đâu đâu cũng gặp hình ảnh người phụ nữ chẻ tre, chuốt nan; gia đình ngồi quây quần đan đát. Bình quân mỗi tháng làm ra 12.000 sản phẩm, gồm 12 mặt hàng như: xà ngôn, rổ, rổ hột xoài, bình hoa, giỏ hoa, cần xé nắp, cần xé hoa, lọ tăm tre…Sản phẩm làm ra đều được các doanh nghiệp ở Bạc Liêu, Vũng Tàu, TP. HCM, Sóc Trăng, sân bay Tân Sơn Nhất,... đặt hàng bao tiêu xuất khẩu. Thu nhập của tổ viên đạt mức trên 1,5 đồng/người/tháng. Hơn 40 lao động là những người lớn tuổi, trẻ nhỏ làm các công đoạn cạo vỏ tre, vót nan tre,... cũng có thu nhập 600.000 - 700.000 đồng/người mỗi tháng. Nhờ vậy, các thành viên trong tổ có cuộc sống ổn định hơn, không phải đi làm ăn xa, vừa chăm sóc gia đình vừa có việc làm tại chổ, góp phần kéo giảm hộ nghèo toàn ấp còn 04 hộ nghèo, chiếm 0,98%.
Hiện nay, sản phẩm bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của tổ hợp tác đan đát được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận sản phẩm OCOP và được Lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN các cấp đến tham quan mô hình, để tiếp tục có những định hướng hỗ trợ tổ hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới.
Tổ hợp tác đan đát ấp Giồng Đình, xã Đại An thực sự đã phát huy hiệu quả bởi đã tạo ra sự liên kết giữa các hộ gia đình, tạo đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định, làm tăng thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống và góp phần lưu giữ làng nghề truyền thống và đây cũng là một trong những nét văn hóa riêng của người dân ấp Giồng Đình, xã Đại An./.
Huyền Trang
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trà Cú