Những tấm gương sáng phụ nữ làm kinh tế giỏi ở huyện Cầu Kè
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Cầu Kè. Với khát vọng phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng, cùng với sự nhạy bén, sáng tạo, tinh thần chủ động, ham học hỏi trong lao động sản xuất đã có nhiều tấm gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, mang lại thu nhập cao, đưa cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, phát triển, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Mô hình nuôi lươn không bùn của Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh
Điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, hội viên phụ nữ ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân. Vốn là người năng động, siêng năng và nhạy bén, chị Hạnh nhận thấy thị trường tiềm năng cũng như hiệu quả kinh tế từ việc nuôi lươn thương phẩm không bùn mang lại, năm 2019, sau khi được Hội Liên hiệp phụ nữ xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 20 triệu đồng, chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi lươn không bùn. Tận dụng diện tích vườn trống xung quanh nhà, chị xây dựng 17 bể xi măng, mỗi bể có diện tích 6m² để nuôi lươn thương phẩm, bình quân mỗi bể chị thả nuôi khoảng 3.000 con lươn giống. Chị Hạnh cho biết, ban đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi, lươn bị bệnh, chết hao hụt nhiều. Để khắc phục tình trạng này, chị tìm đến các mô hình nuôi lươn hiệu quả ở tỉnh Vĩnh Long để học hỏi kỹ thuật, cộng thêm trong quá trình nuôi tích lũy, đúc kết nhiều kinh nghiệm cho riêng mình nên hiệu quả kinh tế từ việc nuôi lươn không bùn ngày càng cao. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí đầu tư, năm 2021, chị Hạnh nghiên cứu, tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi lươn sinh sản và hiện tại chị đã thành công với 02 bể nuôi lươn sinh sản, qua đó giúp chị chủ động hoàn toàn con giống, thả nuôi quanh năm. Đồng thời, chị còn cung cấp con giống cho các hộ nuôi lươn khác trên địa bàn huyện. Theo chị Hạnh, lươn con từ khi thả nuôi cho đến khi xuất bán từ 10 - 12 tháng, trọng lượng từ 03 - 04 con/kg. Với việc thả nuôi lươn theo hình thức cuốn chiếu, hiện tại cứ 03 - 04 tháng, chị xuất bán một lần 03 - 06 bể, với sản lượng mỗi lần xuất bán từ 02 - 04 tấn. Sản phẩm lươn thịt được chị bán cho thương lái ở tỉnh Hậu Giang và Đồng Tháp, với giá dao động từ 80 - 130 ngàn đồng/kg lươn thương phẩm tùy thời điểm, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận từ 25-70 ngàn đồng/kg. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, chị Hạnh nói: “Khi nuôi lươn, phải chú trọng đến những đặc điểm như nguồn nước sạch ổn định, con giống chất lượng và kỹ thuật nuôi. Lươn rất khó nuôi, rất dễ phát sinh bệnh nên phải học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, sử dụng thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm”.
Chị Đinh Thị Hồng Thêu đang chuẩn bị nguyên liệu cho bữa tiệc trọn gói khách đã đặt trước
Một điển hình khác là chị Đinh Thị Hồng Thêu, ở ấp 1, xã Phong Phú là một người có niềm đam mê với nghề nấu ăn. Ban đầu chị cùng với các chị em phụ nữ có khiếu nấu ăn ở địa phương thành lập dịch vụ nấu ăn phục vụ đám tiệc khi có yêu cầu, chị với vai trò là thợ phụ. Do có tâm huyết với nghề, cùng với đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong những lần phục vụ nấu ăn đám tiệc, cộng thêm việc thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu các món ăn ngon, mới lạ, hấp dẫn trên mạng xã hội, năm 2010 chị Thêu đã mạnh dạn đứng ra thành lập dịch vụ nấu ăn cho riêng mình. Thời gian đầu khi mới thành lập, chỉ nhận được những đơn đặt hàng với quy mô nhỏ như đám giỗ, tiệc thôi nôi, sinh nhật... trên địa bàn xã Phong Phú. Nhờ tay nghề nấu ăn ngon, trang trí đẹp mắt và giá cả hợp lý, tiếng lành đồn xa nên dịch vụ nấu ăn của chị ngày càng được nhiều người biết đến và cũng từ đó nhận được nhiều đơn đặt hàng với quy mô lớn hơn như: cưới, hỏi, liên hoan, tiệc cơ quan trọn gói bao gồm luôn cả rạp, bàn, ghế... Với tay nghề nấu ăn ngon, hợp khẩu vị của thực khách nên hiện nay công việc nấu ăn của chị Thêu đã mở rộng ra các huyện lân cận trong tỉnh Trà Vinh, thậm chí là các huyện khác của tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng. Vào những dịp lễ, Tết, cuối năm hay tháng Giêng là hầu như khách hàng đặt nấu ăn kín lịch, chị phải thuê thêm từ 10-12 chị em phụ nữ ở địa phương phụ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, trung bình mỗi tháng chị có thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Chị Thêu cho biết, nguyên liệu chế biến món ăn đều được lựa chọn kỹ càng, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và độ tươi ngon, bởi chị quan niệm rằng nguyên liệu ngon thì chế biến món ăn mới ngon. Trao đổi về công việc nấu ăn của mình, chị Thêu chia sẻ: “Khởi nghiệp ban đầu, chỉ nhận nấu ăn cho cơ quan, rồi tính toán các khoản chi phí, từ đó mới mạnh dạn mở rộng dịch vụ nấu ăn trọn gói. Lúc đầu mọi thứ đều thuê nhưng sau một thời gian làm ăn phát triển bản thân đã mạnh dạn đầu tư đầy đủ trọn bộ từ bàn, ghế cho đến rạp, cổng… Đối với bản thân tôi, luôn đặt chữ tâm và sự uy tín lên hàng đầu”.
Nhận xét về hai tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi tiêu biểu trên, bà Triệu Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Kè cho biết: “Không chỉ là những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, chị Đinh Thị Hồng Thêu và chị Phạm Thị Mỹ Hạnh còn là những hội viên tiêu biểu, tạo việc cho chị em phụ nữ ở địa phương, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về cách thức làm kinh tế để giúp các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN xã, thị trấn tập trung khảo sát nắm chắc đối tượng để có kế hoạch hỗ trợ cho hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững, nhân rộng hai mô hình phát triển kinh tế điển hình của hai chị cho hội viên phụ nữ khác; qua đó Hội sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: tranh thủ các nguồn vốn từ NHCSXH, NHNN, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển và các nguồn vốn do Hội quản lý để hỗ trợ hội viên có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với Hội Làm vườn huyện và các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên để giúp các hội viên phụ nữ ngày càng tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình; góp phần xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao”.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh và chị Định Thị Hồng Thêu chỉ là hai trong số rất nhiều hội viên phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ở huyện Cầu Kè. Các chị đã góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn chịu thương, chịu khó, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng tổ ẩm gia đình hạnh phúc, chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Thu Thủy