VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI CỦA DÂN TỘC
VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI CỦA DÂN TỘC
Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đứng trước thời cơ lớn để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của mình. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Kỷ nguyên mới: Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình, bước vào một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mới. Đây là giai đoạn tăng tốc của Cách mạng Việt Nam để đạt những mục tiêu chiến lược, hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030); tạo tiền đề vững chắc cho tầm nhìn hướng tới 100 năm thành lập nước (1945-2045).
Với tâm thế "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Đảng ta đã xác định động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước chính là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đây cũng là một trong những điểm mới trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và từng bước được cụ thể hóa trong cả nhiệm kỳ qua.
Hòa vào khí thế chung của cả đất nước, đông đảo lực lượng phụ nữ Việt Nam đã phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu và 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", tự tin bước vào kỷ nguyên mới với vai trò, trọng trách hết sức quan trọng.
Trong bối cảnh chung ấy, có những thời cơ và thách thức lớn, tác động trực tiếp tới đời sống, việc làm và cơ hội phát triển, cống hiến của phụ nữ.
Về thời cơ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục là xu hướng chính. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn tạo nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người lao động, trong đó có lao động nữ.
Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được xác định là giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Về thách thức, chính là những vấn đề bất cập ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ như biến đổi khí hậu, thay đổi chức năng gia đình; sự gia tăng các loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao đang đe dọa đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em; cơ cấu lao động, việc làm có nhiều biến động do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh và xu hướng già hóa dân số, đòi hỏi người lao động phải có sự thích ứng nhanh nhạy.
Mục tiêu bình đẳng giới vẫn là một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Bối cảnh đó đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam.
Vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới.
Bước vào kỷ nguyên mới, vai trò của phụ nữ càng cần được phát huy mạnh mẽ. Với lực lượng đông đảo, chiếm hơn 50% dân số cả nước, hơn 46% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ có mặt trên tất cả các lĩnh vực; tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, đúng tinh thần được nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ.
Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".
Trong lĩnh vực chính trị, số phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ đạt 46,67% vào năm 2023.
Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2025 là 30,3%, xếp thứ 64 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 29%, cấp huyện là 29,2% và cấp xã là 28,98%; tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 37,7% ; cấp xã là 24,94%...
Đây là lực lượng tham gia vào quá trình từ hoạch định tới thực thi chính sách, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước và của mỗi địa phương.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động chiếm 46,7% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên; có mặt ở nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ và đang mở rộng sang các lĩnh vực mới, như công nghệ thông tin và tài chính.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam hiện nay, phụ nữ đang sở hữu và điều hành khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa; tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí quản lý, lãnh đạo tại doanh nghiệp là 28% (năm 2023)…
Điều này đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh doanh; xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh doanh toàn cầu.
Các mô hình kinh doanh do phụ nữ lãnh đạo đã tạo việc làm cho hàng triệu người, đóng góp đáng kể vào GDP và quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Phụ nữ là lực lượng chính trong các ngành xuất khẩu chủ lực, như ngành lúa gạo, dệt may, thủy sản.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, phụ nữ có vai trò quan trọng đặc biệt trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tích cực phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là gắn với di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa, di sản hàng đầu châu Á và thế giới.
Trong lĩnh vực giáo dục, y tế và khoa học - công nghệ, phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ công cộng, nghiên cứu khoa học. Trong y tế, phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác.
Trong giáo dục, phụ nữ chiếm hơn 76% lực lượng giáo viên. Nhiều nhà khoa học nữ đạt được thành tựu lớn với các công trình khoa học giá trị.
Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", xây dựng "thế trận lòng dân", nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
Những số liệu trên cho thấy phụ nữ có cơ sở đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững trong tương lai của đất nước, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thay lời kết.
Kỷ nguyên mới là giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho đất nước nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Với bản lĩnh kiên cường và sức sáng tạo mạnh mẽ, các tầng lớp phụ nữ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực tham gia vào hành trình xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Để phát huy vai trò đặc biệt quan trọng ấy, ngoài sự nỗ lực của bản thân người phụ nữ, rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Do đó, Chính phủ và các ngành, các địa phương cần quan tâm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cần mạnh dạn trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Chúng ta tin tưởng rằng, trong kỷ nguyên mới, vai trò của phụ nữ Việt Nam tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, làm sâu sắc hơn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".
TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)
Thu Hồng sưu tầm (Nghị quyết và Cuộc sống )