Các vấn đề đổi mới trong quy trình xây dựng pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025
Ngày 19/2/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là Luật quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (sau đây gọi tắt là “Luật 2025”) được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 47% số chương, 101 điều tương ứng với 41,6% số điều so với Luật năm 2015), có hiệu lực từ 01/4/2025. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 được Quốc hội thông qua đã tập trung 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.
Một là, đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy
Luật 2025 đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã; bổ sung 01 hình thức Nghị quyết của Chính phủ; thay đổi từ Quyết định sang Thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước (Điều 4).
Để phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, Luật 2025 quy định theo hướng: (1) Chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Chủ tịch nước, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch; (2) Giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương..
Hai là, bổ sung quy định Chính phủ ban hành Nghị quyết quy phạm
Việc bổ sung quy định Chính phủ ban hành Nghị quyết quy phạm nhằm (1) Giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ; (2) tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; (3) thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.
Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
5. Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ba là, đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội
Nhằm đảm bảo sự chủ động của Quốc hội trong xây dựng chương trình kỳ họp, sự chủ động của Chính phủ trong việc trình các dự án Luật có chất lượng, Luật 2025 quy định về Chương trình lập pháp (thay cho tên gọi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật 2015) với tính chất là (1) Chương trình để định hướng cho hoạt động lập pháp; (2) Chương trình này sẽ mang tính linh hoạt cao. Quy trình xây dựng chính sách sẽ được tách bạch ra khỏi quy trình lập Chương trình lập pháp. Theo đó, Luật 2025 quy định về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, nội dung và tổ chức triển khai định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội. Căn cứ định hướng lập pháp nhiệm kỳ hoặc yêu cầu giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn (nếu có), các cơ quan đề xuất các dự án vào Chương trình lập pháp hàng năm với hồ sơ đơn giản, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào Chương trình lập pháp của năm tiếp theo (Điều 23, Điều 24).
Bốn là, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL
Luật hiện hành quy định đổi mới về quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL với trọng tâm là đổi mới quy trình xây dựng VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể: (1) Tách bạch quy trình chính sách với việc lập Chương trình lập pháp hàng năm; (2) Phân định rõ hơn quy trình chính sách và quy trình soạn thảo (cơ quan trình quyết định chính sách, Quốc hội quyết định dự thảo); (3) Thu hẹp phạm vi các trường hợp phải thực hiện quy trình chính sách; đơn giản hóa trình về tổng thể và có sự cân đối, điều chỉnh cụ thể, tập trung thời gian, nguồn lực vào một số bước quan trọng, để nâng cao chất lượng chính sách và dự thảo luật.
Ngoài quy trình thông thường, để kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng như đơn giản hóa quy trình, tránh lãng phí nguồn lực trong xây dựng, ban hành VBQPPL, Luật 2025 quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo quy trình rút gọn và trong trường hợp đặc biệt. Trong đó, đối với quy trình rút gọn, Luật 2025 quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình xây dựng cính sách hoặc soạn thảo VBQPPL; mở rộng các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn đối với thông tư và giao Bộ trưởng tự quyết định, chịu trách nhiệm về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Thông tư nhằm tạo sự linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế phát sinh, đề cao trách nhiệm toàn diện của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc ban hành VBQPPL.
Năm là, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật
Luật 2025 quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. Đồng thời, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ vai trò cũng như tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan trình với cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình trình, thẩm tra, cho ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.
Sáu là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL
Luật 2025 bổ sung các quy định về (1) trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong xây dựng VBQPPL; (2) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cũng như người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL (Khoản 1 Điều 23, Khoản 1 Điều 52, Điều 67, Khoản 10 Điều 68).
Bảy là, hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Luật 2025 bổ sung quy định về các trường hợp, nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền hướng dẫn áp dụng VBQPPL. Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL xem xét, hướng dẫn áp dụng đối với văn bản do mình ban hành trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trường hợp cần thiết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn áp dụng. Việc hướng dẫn áp dụng VBQPPL không được đặt ra quy định mới và hình thức văn bản hướng dẫn là văn bản hành chính (Điều 61).
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là một trong các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo quy định tại Điều 6 Luật 2025, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật khác có liên quan. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
BBT sưu tầm từ (Ban Chính sách – Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam)