Làng nghề bó chổi ấp Tân Thành Đông góp phần giải quyết việc làm cho hội viên Phụ nữ
Nằm cách trung tâm thị trấn Cầu Quan 7 kilomet, dọc theo Hương lộ 26, cách Khu hành chính tập trung xã Tân Hoà khoản 1 kilomet, làng nghề làm chổi từ cọng lá dừa tại ấp Tân Thành Đông, xã Tân Hòa, được hình thành từ năm 2000 với khoảng 13 cơ sở tham gia sản xuất, đến năm 2017 được công nhận trở thành làng nghề bó chổi theo quyết định số 1147/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của UBND tỉnh Trà Vinh, hiện nay có trên 1.000 cây chổi cộng lá dừa và dừa nước được sản xuất mỗi ngày. Hàng hóa được mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Hơn 24 năm hình thành và phát triển, chổi do các thợ thủ công lành nghề ấp Tân Thành Đông bó, đã trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần trong công tác xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Hoà, huyện Tiểu Cần.
Làng nghề bó chổi ấp Tân Thành Đông đã giúp nhiều người,
đặc biệt là chị em phụ nữ trong ấp tìm được công việc để trang trải cuộc sống
Nghe danh làng nghề đã lâu, nhưng chưa có dịp đặt chân đến nơi đây lần nào. Cơ duyên, những ngày đầu năm 2025, tôi được chị Lê Hồng Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hoà mời đến tham quan những mô hình tiêu biểu của xã, trong đó có làng nghề bó chổi ấp Tân Thành Đông, đến đây tôi được tận mắt chứng kiến những người thợ thủ công lành nghề, với bàn tay khéo léo, nhanh thoăn thoắt làm nên những cây chổi được bó thật đều, chặt và đẹp.
Được chị Phượng cho biết: “Những người thợ lành nghề, làm chổi bằng cọng lá dừa không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo, kiên nhẫn ở từng công đoạn và mất nhiều thời gian thì mới tạo ra những cây chổi đẹp và hoàn chỉnh”. Cây chổi hoàn chỉnh trải qua nhiều công đoạn nhỏ và 3 công đoạn lớn. Việc đầu tiên là làm mái chổi, đây là công đoạn khó, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt kết các que dừa lại với nhau, mỗi lần kết, thợ lại lấy dây chì buộc chặt. Công đoạn tiếp theo là làm cán chổi, người thợ sẽ dùng thân dừa cắt thanh ngắn đóng vào phía trong để làm cán chổi. Cuối cùng là công đoạn tề chổi, thợ có thể dùng dao hoặc máy để cắt, tỉa nhằm giúp cho cây chổi được đều và đẹp hơn.
Công đoạn tề chổi, thợ dùng máy để cắt, tỉa giúp cho cây chổi được đều và đẹp hơn.
Hiện toàn xã Tân Hòa có khoảng 1.650 ha dừa, trong đó, nguyên liệu (cọng dừa) tại địa phương được người dân tận dụng để làm nguyên liệu bán lại cho các cơ sở của làng nghề chiếm khoảng 50% nguyên liệu. Để có đủ nguồn nguyên liệu, ngoài nguồn cung ứng tại chỗ, các cơ sở của Làng nghề còn thu mua nguyên liệu ở các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng,...
Chị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: “Hiện ấp Tân Thành Đông có 13 cơ sở sản xuất, trong đó có 03 cơ sở sản xuất với quy mô lớn, với 300 lao động, chiếm 35% số lao động trong toàn ấp; có trên 1.200 lao động trên địa bàn huyện tham gia thu mua cọng dừa, vót cọng dừa,…để cung cấp nguyên liệu cho làng nghề. Hàng năm, làng nghề bó chổi ấp Tân Thành Đông sản xuất hơn 3,6 triệu sản phẩm các loại ra thị trường, tổng doanh thu đạt trên 35 tỷ đồng/năm, chiếm 0,7% giá trị sản xuất trong ngành công nghiệp – dịch vụ của huyện, thu nhập bình quân của các lao động từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và đặc biệt trong thời gian gần đây còn xuất sang thị trường Trung Quốc, Campuchia, Lào”.
Trải qua nhiều khó khăn, nghề làm chổi ở ấp Tân Thành Đông vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho những người dân địa phương. Làng nghề bó chổi ấp Tân Thành Đông đã là một phần không thể thiếu đối với cuộc sống của hầu hết người dân nơi đây, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy xây dựng xã nông thôn mới. Nhờ đó mà diện mạo kinh tế và xã hội của ấp Tân Thành Đông ngày càng khởi sắc, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao thu nhập mà làng nghề này còn giúp khai thác phát triển kinh tế du lịch huyện Tiểu Cần.
Với đặc tính dễ làm, không kén thời gian, nghề bó chổi hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất trong năm cho những người làm nghề, nên ai cũng tranh thủ tối đa thời gian để sản xuất cho kịp đơn hàng. Để phát triển bền vững, nghề bó chổi ở ấp Tân Thành Đông cần phải có hướng đi phù hợp, lâu dài, bởi hiện tại nghề bó chổi đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ nguồn nguyên liệu, giá cả, trang thiết bị máy móc, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ…
Chị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa cho biết: “Thời gian qua, UBND xã cùng với các đơn vị chức năng đã có nhiều hỗ trợ để làng nghề duy trì và phát triển thông qua các chương trình hỗ trợ vốn, mở rộng thị trường… Từ đó, giúp người dân chủ động được nguồn vốn thu mua nguyên liệu, nâng cao tay nghề, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường”.
Bàn tay bó chổi nhanh thoăn thoắt của người thợ thủ công lành nghề
Đến thăm làng nghề, tôi thấy người dân nơi đây dù bận rộn với công việc nhưng ai cũng phấn khởi. Điểm thú vị khi về làng nghề bó chổi ấp Tân Thành Đông chính là đi từ đầu ấp đến cuối ấp đều có hình ảnh của người dân làm công việc này. Nhà nhà, ai ai cũng đều biết bó chổi khiến cho các cơ sở sản xuất trở nên đông đúc hơn, không khí làm việc luôn nhộn nhịp và rộn rã tiếng cười.
Trong làng nghề bó chổi, hiện nay có khá nhiều hộ lập cơ sở lớn, truyền nghề qua nhiều thế hệ trong gia đình. Để đảm bảo giữ mối, uy tín cho riêng mình, mỗi nơi đều chú trọng chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh. Nhờ vậy, mà chổi của người dân ấp Tân Thành Đông làm ra luôn được thị trường tin tưởng đón nhận, góp phần cho đời sống người dân nơi dây thêm xôm tụ và vui tươi.
Tuy thu nhập từ nghề bó chổi không quá cao nhưng đó lại là nghề truyền thống được người dân ấp Tân Thành Đông gìn giữ và phát triển nhiều năm qua, tôi tin rằng, dù có khó khăn, thì làng nghề này vẫn sẽ ngày càng phát triển, bởi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo và hơn hết chính là tinh thần hăng sai trong công việc, tinh thần yêu nghề sẽ góp phần làm cho làng nghề ngày càng phát triển hơn nữa./.
Nguyễn Ngọc Anh Thư