Hiệu quả bước đầu của Tổ hợp tác Trồng rau an toàn của Chi hội phụ nữ ấp 2, xã Thạnh Phú
Nhận thấy nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở địa phương có diện tích đất trống có thể tận dụng để trồng rau, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình và hướng đến cung cấp rau an toàn cho bữa ăn gia đình. Hội LHPN xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè đã vận động thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở ấp 2, bước đầu đã làm thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang trồng rau an toàn, giúp hội viên phụ nữ tăng thu nhập theo hướng bền vững.
Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở ấp 2, xã Thạnh Phú được thành lập từ đầu tháng 9/2024, với 05 thành viên là hội viên phụ nữ trong ấp tham gia liên kết sản xuất. Tổng diện tích trồng rau an toàn của các thành viên trong Tổ hợp tác khoảng 1.800m², chủ yếu tận dụng diện tích vườn tạp, đất trống xung quanh nhà của gia đình để cải tạo trồng các loại rau màu phù hợp, mỗi thành viên sẽ chuyên trồng một loại rau khác nhau như: cải, rau thơm, rau muống, hành, ngò,... để luân phiên thu hoạch và bán theo đợt, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 25 - 35 ngày/vụ cho từng loại rau; tùy theo diện tích sản xuất mỗi thành viên trong tổ thu hoạch với sản lượng từ 20 - 40kg rau thương phẩm, giá bán dao động từ 8.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo chủng loại rau và phụ thuộc vào từng thời điểm.
Là hộ có truyền thống trồng rau ở địa phương, vì thế khi được Hội LHPN xã Thạnh Phú vận động tham gia vào Tổ hợp tác trồng rau an toàn, chị Võ Thị Cẩm Tuyết, ở ấp 2 đã không chút đắn đo đăng ký tham gia và mạnh dạn xung phong làm Tổ trưởng. Với kinh nghiệm tích lũy được từ nghề trồng rau hơn chục năm qua, chị Tuyết đã nhiệt tình chia sẻ cho chị em trong tổ hợp tác về phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch rau, sao cho mang lại hiệu quả cao mà cũng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Chị Tuyết cho biết: Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được tập huấn về quy trình sản xuất, khung thời vụ sản xuất và cách chăm sóc khoa học. Các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng tuyệt nhiên không dùng, thay vào đó sẽ dùng phân chuồng ủ hoai, tro trấu kết hợp với khâu làm đất kỹ lưỡng để hạn chế sâu bệnh. Nếu thật sự cần thiết thì mới sử dụng phân và thuốc hóa học nhưng cũng tuân thủ tuyệt đối thời gian cách ly để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Trong quá trình sản xuất, chị Tuyết là người tìm đầu ra sản phẩm cho các thành viên trong Tổ hợp tác thông qua việc liên kết với các tiểu thương tại chợ Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Sau 01 vụ sản xuất, mỗi thành viên sẽ thu lợi nhuận từ 01 - 2,5 triệu đồng tùy theo diện tích. Tuy số tiền không lớn nhưng đã giúp cho các chị em trong Tổ hợp tác có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Chị Võ Thị Cẩm Tuyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng rau an toàn ở ấp 2, xã Thạnh Phú chia sẻ: “Phát động trồng rau sạch chủ yếu là giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, mặc dù nó không lớn nhưng cũng tích lũy từ nhỏ thành to, cũng có tiền đóng tiền điện, tiền nước. Mình lấy rau nhà mình ăn thì mình khỏi mua ngoài chợ, rau ngoài chợ nhiều khi chưa chắc đảm bảo an toàn. Cho nên tôi mạnh dạn vận động chị em phụ nữ trong xóm, ấp trồng rau an toàn, không cần diện tích nhiều nhưng miễn sao đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân, gia đình và người tiêu dùng là được.” Chị cho biết thêm: Tổ hợp tác sinh hoạt định kỳ một tháng một lần vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng, để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trồng rau, cập nhật tình hình sản xuất rau của các thành viên trong tổ, qua đó đề ra kế hoạch sản xuất của tháng tới. Sau một thời gian ngắn hoạt động, Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở ấp 2, xã Thạnh Phú bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ từ sản xuất nông nghiệp manh mún sang sản xuất với hình thức tập trung, liên kết.
Chị Nguyễn Thị Phượng chăm sóc vườn rau muống chuẩn bị thu hoạch của mình
Chị Nguyễn Thị Phượng là thành viên của Tổ hợp tác chia sẻ, trước đây, diện tích đất trống xung quanh nhà chủ yếu bỏ trống, khoảng vài ngày chị phải dọn cỏ, làm vệ sinh tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, chị Phượng đã tận dụng hết 400m² đất trống xung quanh nhà để trồng các loại rau, cải tiêu thụ ra thị trường. Nhờ được các thành viên trong tổ hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh mà rau của chị luôn phát triển xanh tốt và được khách hàng tin tưởng ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết: Trước giờ trồng rau theo cách truyền thống, thấy có sâu là xịt thuốc hóa học, thấy rau không tốt là bón phân hóa học, nhiều khi mình cũng ngại ăn rau do chính mình trồng. Nhưng từ khi tham gia vào tổ hợp tác trồng rau an toàn thấy rất hay, được chị em trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau an toàn, rau sạch, khi phát hiện có sâu thì bắt bằng tay, rồi mình ủ phân hữu cơ để bón cho rau, thấy rau phát triển tốt. Sản phẩm rau mình trồng vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình cũng như người tiêu dùng, vừa có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục cùng với các thành viên trong tổ hợp tác duy trì và mở rộng thêm diện tích trồng rau theo hướng an toàn, cung cấp ra thị trường nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của bà con.
Đánh giá về tính hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác trồng rau an toàn của hội viên phụ nữ ở ấp 2 cũng như định hướng nhân rộng sản xuất rau sạch ở địa phương trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú cho biết: “Trên địa bàn xã Thạnh Phú, qua rà soát, nhận thấy xung quanh nhà của nhiều hội viên phụ nữ có một phần diện tích đất còn trồng, chưa được chị em tận dụng trồng rau màu hoặc sử dụng vào mục đích khác để mang lại kinh tế cho gia đình. Vì thế, Hội LHPN nữ xã đã có ý tưởng vận động chị em cải tạo phần đất đó để trồng rau sạch, vừa có nguồn rau sạch để ăn trong gia đình, vừa có sản phẩm để bán ra thị trường. Ban đầu, Hội LHPN xã đã vận động chị em hội viên ở ấp 2 tham gia thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn trước. Tuy mới được thành lập nhưng mô hình này cũng mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều chị em hội viên đồng tình, hưởng ứng, các thành viên trong tổ đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn nên đã mạnh dạn áp dụng và mang lại hiệu quả. Tuy sản lượng rau màu chưa nhiều, thu nhập kinh tế chưa cao, nhưng cái thành công lớn của mô hình là đã nâng cao được ý thức của chị em hội viên trong sản xuất nông sản sạch, hướng được chị em bỏ dần thói quen sản xuất truyền thống, tiến tới sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, gắn với thị trường. Hướng tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các chị em hội viên phụ nữ ở địa phương mạnh dạn tham gia vào tổ hợp tác, mở rộng mô hình này ra các Chi Hội phụ nữ ấp còn lại; phối hợp với ngành nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật mới trong sản xuất để chị em tạo ra được các sản phẩm rau sạch, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP để phát triển bền vững, làm thể nào để chị em hội viên phụ nữ phát triển kinh tế ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Việc phát triển mô hình Tổ hợp tác trồng rau an toàn do phụ nữ làm chủ ở ấp 2, xã Thạnh Phú là việc làm quan trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ từ sản xuất nông nghiệp manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em hội viên, đảm bảo cung cấp ra thị trường những thực phẩm sạch, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng./.
Thu Thủy