TRI ÂN VÀ TIẾP NỐI HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN CỦA HỘI PHỤ NỮ HUYỆN TIỂU CẦN
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và ngày Quốc tế Lao động 01/5; ngày 25/4/2025 Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tiểu Cần tổ chức đoàn cán bộ, hội viên phụ nữ và nữ du kích, bị địch bắt tù đày trên địa bàn huyện có chuyến về nguồn, tham quan di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp to lớn của các thế hệ phụ nữ trong kháng chiến, đặc biệt là các dì nữ du kích và nữ tù đày và hòa chung không khí của cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Miền nam hoàn toàn giải phong thống nhất đát nước 30/4/1975 – 30/4/2025.
Tham dự chuyến đi có các dì là cựu nữ du kích, nữ tù đày của huyện Tiểu Cần cùng đại diện lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, các đồng chí nguyên là cán bộ Hội LHPN huyện Tiểu Cần. Chuyến về nguồn không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc mà còn là cơ hội để thế hệ phụ nữ hôm nay bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người phụ nữ kiên cường, bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Các đại biểu nghe thuyết trình và tham quan trực tiếp tại một số địa điểm trong khu di tích Địa đạo Củ Chi
Tại đây đoàn tham quan đã đến thắp hương, viếng đền thờ Bến Dược và nghe thuyết minh về vùng đất lịch sử Củ Chi thành đồng; đồng thời tham quan, trải nghiệm thực tế hệ thống địa đạo trong lòng đất bao gồm bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc; tham quan khu tái hiện vùng giải phóng và khu phục dựng lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông…
Các hiện vật và hình ảnh được trưng bày, trình chiếu tại khu di tích lịch sử
Được biết, Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 69 km về hướng Tây-Bắc. Hệ thống này được quân kháng chiến Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất, có chiều dài khoảng 250 km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh, trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép" để ca ngợi ý chí phòng thủ kiên cường của quân dân nơi đây. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, quân Giải phóng miền Nam đã xuất phát từ hệ thống địa đạo này để tấn công vào trung tâm Sài Gòn. Sau chiến tranh, khu Địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại một số địa điểm trong khu di tích lịch sử
Địa đạo Củ Chi không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân miền Nam. Trong không khí trang nghiêm và xúc động, đoàn đã dâng hương tưởng niệm tại Đền Bến Dược - nơi ghi danh hàng ngàn liệt sĩ đã hy sinh trên vùng đất thép Củ Chi; tham quan hệ thống địa đạo, nhà trưng bày truyền thống và giao lưu, chia sẻ cùng các dì về những ký ức chiến tranh, những năm tháng sống và chiến đấu trong lòng đất, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh.
Đoàn chờ vào viếng và thắp hương tại Đền Bến Dược
Thông qua buổi tham quan và trải nghiệm thực tế tại Địa đạo Củ Chi đã giúp cho chị em cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ du kích, bị địch bắt tù đày được tận mắt chứng kiến và khâm phục về những khó khăn vất vả, không ngại hy sinh và sự đóng góp tích cực về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân đội và Nhân dân Việt Nam nói chung, vùng đất Củ Chi anh hùng nói riêng. Qua đó nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của Nhân dân Việt Nam anh hùng; đồng thời qua đây còn tuyên truyền cho chị em về truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh đã được Bác Hồ phong tặng 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Chuyến đi là dịp để ôn lại truyền thống hào hùng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người phụ nữ đã không tiếc thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, truyền lửa cách mạng cho hội viên, phụ nữ trẻ hôm nay.
HỘI LHPN HUYỆN TIỂU CẦN